Cảng HKQT Nội Bài gặp gỡ nhân chứng lịch sử nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

Thứ sáu, 23/12/2022 08:58

“Những chuyến bay cất lên từ mặt đất lỗ chỗ hố bom, vũng đạn của sân bay Đa Phúc thời đạn bom khói lửa, những chuyến bay cảm tử anh hùng, những người phi công sẵn sàng biến thân mình thành quả tên lửa dũng mãnh xé tan xác pháo đài bay B52 của Mỹ… Tất cả đã có mặt trong bản hùng ca chiến thắng để có một Thủ đô Hà Nội phát triển trong hòa bình, để có một Cảng HKQT Nội Bài trỗi dậy từ chiến tranh và vươn mình với khu vực và thế giới”.

Những thước phim lịch sử hào hùng, những câu chuyện chưa từng được kể từ những nhân chứng lịch sử, từ những người lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài qua các thời kỳ, vừa được diễn ra trong một bầu không khí xúc động của buổi tọa đàm “Bầu trời và mặt đất” nhân kịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” ngay tại trụ sở Cảng HKQT Nội Bài trước sự háo hức đón nhận của 500 CBCNV.

Cảng HKQT Nội Bài gặp gỡ nhân chứng lịch sử nhân dịp
kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 

Buổi tọa đàm với sự góp mặt của vị khách mời đặc biệt – một nhân chứng lịch sử: Đại tá Nguyễn Công Huy – Cựu phi công đại đội bay đánh đêm, nguyên Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371, Nguyên Phó Tổng giám đốc Cụm cảng hàng không miền Bắc, người đã cùng với đồng đội góp phần vào bản hùng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây tròn 50 năm. Khi được hỏi “Ta đã chiến thắng cái gọi là siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm của Mỹ như thế nào?’, vị Đại tá, cựu phi công hào hứng chia sẻ: “Máy bay B52 của Mỹ thời đó được coi là "siêu pháo đài bay", là một trong 03 loại vũ khí chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ, gồm B52, tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân. Đó còn gọi là "quả đấm thép" của Mỹ để triển khai chiến tranh hiện đại.

Trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục nghìn tấn bom rải thảm nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Thế nhưng, với tinh thần mưu trí, dũng cảm tuyệt vời, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích bắn rơi các pháo đài bay B52, bảo vệ bình yên cho bầu trời Hà Nội”.

Những cột mốc lịch sử, những tên gọi đồng đội, những chiến công hiển hách, cách ta lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, cách ta nghiên cứu kỹ kẻ thù và tập trung đánh vào các điểm yếu để bắn hạ hàng loạt pháo đài bay đầy kiêu hãnh của Mỹ,... được vị Cựu phi công kể lại sống động như một thước phim lịch sử. Với câu hỏi: “Vì sao Việt Nam lại đánh được B52 của Mỹ trong khi Mỹ dùng B52 đánh phá nhiều nước nhưng chưa nước nào hạ được pháo đài bay này?”, Đại tá Nguyễn Công Huy trả lời đầy tự hào: “Ta đã thắng họ bằng tinh thần, bằng ý chí rất Việt Nam!”. Trả lời một câu hỏi của đại diện cho đoàn viên thanh niên Cảng HKQT Nội Bài về cảm nhận về sân bay Nội Bài bây giờ và sân bay Đa Phúc ngày trước, Đại tá Nguyễn Công Huy tâm sự: “Cùng một địa danh nhưng Cảng HKQT Nội Bài khác xa sân bay Đa Phúc ngày ấy. Một Cảng hàng không quốc tế khang trang, hiện đại, hệ thống trang thiết bị tiêu chuẩn quốc tế trong khi đó, cũng chính nơi này 50 năm về trước, sân bay Đa Phúc bị bom đạn tàn phá nặng nề, đường băng, sân đỗ chi chít những hố bom, vũng đạn…”.

Khách mời tham gia buổi tọa đàm

Từ một sân bay quân sự bị tàn phá bởi chiến tranh, lớp lớp các thế hệ CBCNV đã tâm huyết xây dựng nên một diên mạo mới như Nội Bài ngày hôm nay. Một trong những người lãnh đạo không những cống hiến cho Cảng HKQT Nội Bài mà còn đảm đương trọng trách tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Ông Lê Mạnh Hùng – Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc cũng hiện diện tại buổi tọa đàm. Ông xúc động kể lại về những ngày đầu gian khó xây dựng Cảng HKQT Nội Bài: “Trước khí thế chiến thắng hào hứng của toàn quân và dân ta sau trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã bắt tay vào những công trình, đề án đầu tiên do tổ chức ICAO tài trợ nhằm nâng cao năng lực khai thác điều hành sân bay. Từ một nhà ga rất bé phía bên khu vực quân sự, sau đó năm 1982, chúng ta xây dựng 01 nhà ga cấp 4 (giờ đã bỏ đi rồi), đến 2001, chúng ta đưa Nhà ga hành khách T1 vào khai thác, rồi khánh thành Nhà ga quốc tế T2 năm 2015”. “Thế hệ trẻ sẽ tiếp tục xây dựng Cảng HKQT Nội Bài ngày càng phát triển xứng tầm với vị thế cửa ngõ hàng không quan trọng của Thủ đô Hà Nội”, ông Lê Mạnh Hùng tin tưởng.

Với tư cách là người lãnh đạo kế cận, ông Tô Tử Hà – Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tham gia tọa đàm gửi lời tri ân đến thế hệ lãnh đạo đi trước đã tạo tiền đề, nền móng, đã xây nên những giá trị bền vững để các thế hệ về sau được kế thừa và phát huy. Trong câu chuyện về Cảng HKQT Nội Bài, ông Hà nhớ lại những thời khắc khó khăn của đại dịch Covid-19, những nỗ lực của Cảng để đảm bảo 100% CBCNV Cảng và các đơn vị trong dây chuyền phục vụ chuyến bay tại Cảng được tiêm vắc xin để yên tâm phục vụ hành khách và đảm bảo trong các thời khắc cam go, Cảng HKQT Nội Bài không có một ca lây nhiễm chéo nào. Ông Tô Tử Hà cũng tự hào thông tin với các lãnh đạo tiền nhiệm và toàn thể CBCNV về những thành tựu đáng tự hào trong năm 2022, một năm ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ của sản lượng vận chuyển hàng không. Cảng và các đơn vị trong dây chuyền phục vụ đã nỗ lực phục vụ khi sản lượng vận chuyển nội địa tăng trưởng nóng, vượt hơn 02 lần công suất thiết kế của nhà ga…

“Có lẽ tinh thần vượt khó, tinh thần không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách của các thế hệ cha chú đã truyền lại cho chúng tôi động lực mạnh mẽ để luôn tìm cách tiến lên phía trước”, ông Hà cảm kích. 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Không khí buổi tọa đàm mỗi lúc một hào hùng, xúc động khi các vị khách mời tuôn trào các mạch cảm xúc với những câu chuyện chưa từng được kể. Ông Lê Huy Việt – Nguyên Chánh văn phòng Cụm cảng hàng không miền Bắc với câu chuyện hào sảng về sự yểm trợ lẫn nhau giữa lực lượng bộ đội pháo cao xạ và lực lượng không quân. Ông Nguyễn Văn Nguyệt -Nguyên Chủ tịch UBND Huyện Sóc Sơn với câu chuyện về tình quân dân, về sự hỗ trợ của nhân dân các xã giáp ranh mỗi khi sân bay bị đánh bom…

Cuộc tọa đàm “Bầu trời và mặt đất” đã kết thúc trong nhiều cảm xúc lắng đọng. Chiến tranh đã lùi xa, song dư âm về trận chiến bảo vệ thủ đô Hà Nội “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ 20; mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Đồng thời những ký ức về Cảng HKQT Nội Bài những ngày đầu gian khó sẽ tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục xây dựng và cống hiến cho một vị thế của thương hiệu Nội Bài trên trường quốc tế.

KA

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:88141
Lượt truy cập: 176.569.609