Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, tái khởi động tuyến dịch vụ này nhằm kết nối hàng hóa miền Tây Nam Bộ - miền Trung - miền Bắc.
Những kiện hàng đầu tiên được vận chuyển xuống cảng Cái Cui.
Tàu khởi hành tại cảng Tân Cảng 128 (Hải Phòng) vào ngày 24/12, đến cảng Cái Cui vào ngày 28/12, cảng Tân cảng Cái Cui vào ngày 29/12.
Việc khai thác mở lại tuyến tàu container nội địa Cần Thơ từ Hải Phòng vào cụm cảng Cần Thơ là dấu ấn nổi bật cho kết nối liên vùng, tạo tiền đề cho việc kết nối thẳng ĐBSCL với cụm cảng nước sâu Cái Mép và các dịch vụ cho các tàu quốc tế tuyến Nội Á. Từ đó kết nối hàng hóa từ sân bay quốc tế Cần Thơ trong tương lai, thúc đẩy kinh tế ĐBSCL với cả nước và quốc tế, phát triển trung tâm logistics vùng ĐBSCL.
Cảng Cái Cui được đưa vào khai thác kể từ năm 2006 với vai trò là bến cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên nhiều năm qua do luồng kênh Quan Chánh Bố không đảm bảo về độ sâu, nên lượng tàu biển vào cảng còn khá hạn chế.
2 năm qua, cảng Cái Cui tạm ngừng khai thác dịch vụ đối với tàu chở container tải trọng lớn. Thời gian này, sà lan chở container tải trọng nhỏ, khoảng 45-50 TEU vẫn hoạt động bình thường 4 chuyến/ngày.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty TCSG và lãnh đạo TP Cần Thơ
thực hiện nghi thức đón tàu.
Ngày 30/9/2022, tại Hội nghị Thúc đẩy vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT và TP Cần Thơ đã thông báo hoàn tất nạo vét và thông luồng Quan Chánh Bố.
Với việc luồng Quan Chánh Bố sẽ khơi thông cho size tàu 10.000 DWT vào cảng, cùng với việc tàu Tan Cang Foundation vào cụm cảng Cần Thơ chứng tỏ các bến cảng tại khu vực Cái Cui đủ năng lực để tiếp nhận các tàu biển container phù hợp với mớn nước của luồng ra vào cảng.
Tại buổi lễ đón tàu vào sáng 29/12, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, theo thống kê nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL là 17-18 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, 70% hàng hóa xuất khẩu này phải vận chuyển đường bộ về các cảng lớn ở TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Do đó làm tăng thêm chí phí vận tải vào giá thành sản phẩm xuất khẩu, gây khó khăn cho đầu ra các sản phẩm nông nghiệp của vùng, cũng như giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và người dân trong vùng.
Vì vậy, việc khai thác mở lại tuyến tàu container nội địa Cần Thơ từ Hải Phòng vào thẳng ĐBSCL đến cụm cảng Cái Cui, mà không phải qua cảng TP. HCM đã tạo ra giải pháp dịch vụ logistics trọn gói. Đồng thời, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn, thúc đầy sự phát triển kinh tế cả vùng ĐBSCL.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ đón tàu
Bên cạnh đó, hiện nay Bộ GTVT đang tập trung đầu tư các dự án trọng điểm kết nối vùng như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng.
Đặc biệt là dự án xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023 sẽ thu hút được phần lớn nguồn hàng hóa xuất khẩu thông qua các cảng biển trên địa bàn TP Cần Thơ. Từ đó mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho TP Cần Thơ nói riêng, cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết hợp tác và nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng.
“Thời gian tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, đồng hành cùng các đơn vị duy trì tuyến vào cụm cảng Cái Cui.
Đồng thời, TP sẽ đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam có biện pháp duy trì mớn nước ổn định cho tàu biển container có trọng tải lớn vào luồng hàng hải sông Hậu.
Đẩy nhanh dự án xã hội hóa nạo vét luồng Định An để đảm bảo 2 tuyến luồng hàng hải cho tàu chạy song song, giải phóng được ách tắc của luồng 1 chiều cho các tàu lớn không phải chờ lâu để đi qua”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ.