Theo Công văn số Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022, do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị như sau:
“Câu 14. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tăng nguồn vốn đầu tư duy tu bảo dưỡng cho Quốc lộ 27 đoạn đi qua hai huyện Lâm Hà và Đam Rông (huyện 30a) của tỉnh Lâm Đồng có chiều dài khoảng 25 km, hiện nay đoạn đường này đã xuống cấp trầm trọng không đảm bảo lưu thông hàng hóa, an toàn của nhân dân.”
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Quốc lộ 27 qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 91 km (Km83+00-Km174+00) là tuyến đường nối tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng; chiều rộng mặt đường 5,5m được thảm bê tông nhựa, hiện nay một số đoạn đã hư hỏng, xuống cấp.
Để phục vụ nhu cầu an toàn đi lại, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của bà con nhân dân, năm 2019, Bộ GTVT đã nghiên cứu và lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 27 đoạn qua các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận và Lâm Đồng dự kiến bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa cân đối bố trí đầu tư Dự án trong giai đoạn này.
Về công tác bảo trì QL27 đoạn Km106 - Km143 QL.27 (dài 37km) qua địa phận huyện Đam Rông, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng:
- Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đoạn tuyến QL.27 đoạn Km106 - Km143: các năm 2021 - 2023 đoạn tuyến được bố trí đều theo quy định khoảng 13,4 tỷ đồng.
- Công tác sửa chữa định kỳ: trong những năm qua Bộ GTVT đã cho phép sửa chữa mặt đường bằng vốn bảo trì đường bộ, cụ thể như sau:
a) Năm 2015 - 2017: Sửa chữa hư hỏng cục bộ, thảm BTN mặt đường đoạn Km106-Km116 qua đèo Chuối (kinh phí 20 tỷ đồng);
b) Năm 2020: Sửa chữa hư hỏng cục bộ, thảm BTN mặt đường đoạn Km125 - Km137 qua đèo Phú Mỹ (kinh phí 22,66 tỷ đồng);
c) Năm 2021: Sửa chữa nền, mặt đường, thảm BTN và gia cố hệ thống thoát nước các đoạn Km101+400 - Km103 +00 và Km137 - Km139+500 (kinh phí 11,98 tỷ đồng); sơn kẻ và tăng cường hệ thống ATGT QL.27, trong đó có đoạn Km106-Km116 (kinh phí 300 triệu đồng).
- Trong Kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2023, Cục ĐBVN đã phê duyệt các công trình: Sửa chữa và thay thế hộ lan đoạn Km109 - Km120, Km126 - Km1391, kinh phí 5,4 tỷ đồng; Sửa chữa cục bộ, gia cố lề, hệ thống thoát nước đoạn Km120+00Km124+00, kinh phí 19,2 tỷ đồng.
- Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Bộ GTVT đã giao Cục ĐBVN tiếp tục kiểm tra, đề xuất giải pháp sửa chữa hư hỏng trên tuyến QL.27 đoạn Km106-Km143. Đồng thời, chỉ đạo Sở GTVT Lâm Đồng thường xuyên đôn đốc Nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên sửa chữa kịp thời các hư hỏng mặt đường, hót dọn đất sạt trong mùa mưa bão trên toàn tuyến QL.27, đảm bảo giao thông thông suốt. Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đánh giá mức độ ưu tiên của từng nội dung công việc cụ thể, cân đối phù hợp với khả năng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ được giao trong các năm tiếp theo để sửa chữa các đoạn hư hỏng mặt đường còn lại trên QL.27 nêu trên