Lương thuyền viên Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

Thứ ba, 03/01/2023 10:28

Trình độ tiếng Anh kém là rào cản rất lớn cho việc nâng cấp uy tín và chuyên môn của thuyền viên Việt Nam.

Bị cạnh tranh gay gắt bởi thuyền viên Myamar

Theo Cục Hàng hải VN, trên một số tàu của chủ tàu Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay, thuyền viên Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt. Số lượng thuyền viên chức danh thấp đang có xu hướng sụt giảm.

Nguyên nhân là do mức lương trung bình của các thuyền viên Việt Nam có thể đã vượt qua thuyền viên Myanmar. Hay nói cách khác, lương của những thuyền viên Myanmar có chức danh thấp đang rất cạnh tranh với thuyền viên Việt Nam.

Lương thủy thủ của thuyền viên Việt Nam có thể cạnh tranh với Myanmar,
nhưng lương các chức danh cao trên tàu lại thấp hơn Philippines.

Ảnh minh họa

Theo khảo sát, trên tàu chở hàng rời (bulk carier), lương thuyền viên Việt Nam ở chức danh thủy thủ trực ca (AB) và người đổ dầu (Oiler) vào khoảng 1.300-1.500 USD, lương các chức danh Thuyền phó 3 khoảng 2000-2.500 USD/tháng.

Trong khi đó, lương của thuyền viên Myamar và Philippines (tuyến chạy Đông Nam Á) sẽ đạt mức khoảng 900-1.100 USD/tháng với các thủy thủ trực ca và người đổ dầu. Chức danh Thuyền phó 3 cho các thuyền viên nước này khoảng 1.500-1.800 USD/tháng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện với các chức danh cao hơn như Thuyền trưởng, lương của thuyền viên Việt Nam lại thấp hơn.

Cụ thể, nếu thuyền trưởng người Việt được trả khoảng 6.000 - 7.500 USD/tháng thì Thuyền trưởng Philippines có thể được trả 8.500 - 10.000 USD/tháng.

Các chuyên gia nhận định, trên tàu có thuyền viên nhiều quốc tịch khác nhau, đôi khi chỉ có một sỹ quan Việt Nam và số lượng thuyền viên Việt Nam đáp ứng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mặt bằng trình độ tiếng Anh và tính chuyên nghiệp của thuyền viên Việt Nam còn thấp so với trong khu vực. Đây là những lý do chính mà các chủ tàu nước ngoài vẫn còn dè dặt khi hướng đến thị trường thuyền viên Việt Nam.

Cần giáo dục và rèn luyện tính chuyên nghiệp

Nhìn nhận thực trạng này, anh Chu Văn Tâm (thực tập Thuyền trưởng, Công ty TNHH Vận tải biển và Xuất nhập khẩu HTK) cũng ngậm ngùi: "Các chủ tàu nước ngoài chấp nhận thuyền viên Việt Nam vì trả lương thấp, chứ chất lượng thuyền viên Việt chưa được đánh giá là cao".

Một trong những lý do dẫn tới tình trạng này, theo anh Tâm là bởi những năm qua, số lượng đào tạo nghề hàng hải bị giảm dẫn tới sự cạnh tranh trong học tập và công việc đều giảm.

Theo số liệu của Cục Hàng hải VN, tính đến ngày 1/10/2022, số lượng thuyền viên Việt Nam đạt hơn 54.000 người, tăng hơn 11.000 người so với năm 2012. Tuy nhiên, số lượng thuyền viên tăng nhưng lại chủ yếu ở chức danh thủy thủ và thợ máy, trong khi số lượng sĩ quan - nguồn nhân lực có trình độ đào tạo cao hơn lại giảm.

Thống kê cho thấy, số lượng đào tạo sĩ quan vận hành đạt khoảng 1.503 người và sĩ quan quản lý đạt 1.282 người vào năm 2012 thì tới năm 2022, con số tương ứng là 1.035 sĩ quan vận hành và 702 sĩ quan quản lý.

Số lượng đào tạo cho hai chức danh này cao điểm nhất vào năm 2015, khi sĩ quan quản lý đạt 1.118 người và sĩ quan vận hành đạt 1.706 người.

Bởi thế, anh Tâm cho rằng để có thể tăng mức lương cho thuyền viên Việt Nam cần "đòi hỏi sự nâng cao trong công tác đào tạo, rèn khả năng tiếng Anh cũng như rèn tính chuyên nghiệp cho các thuyền viên".

Trong khi đó, đại diện Cục Hàng hải VN đánh giá: Để tăng khả năng cạnh tranh và từ đó nâng cao mức lương của thuyền viên Việt Nam, cần nhiều yếu tố. Một trong số đó là giáo dục và rèn luyện tính chuyên nghiệp cho thuyền viên ngay từ trong trường. Bởi, tính chuyên nghiệp là một điểm đang rất yếu của thuyền viên Việt.

Cùng đó, cần tăng cường chất lượng đào tạo nghề. Theo đại diện này, hiện nay, phần không nhỏ thuyền viên Việt Nam không đủ tiêu chuẩn tối thiểu đáp ứng các yêu cầu của chủ tàu nước ngoài (cũng là các tiêu chuẩn theo công ước STCW mà Việt Nam tham gia).

“Trong đó, kém tiếng Anh là rào cản rất lớn cho việc nâng cấp uy tín và chuyên môn của thuyền viên Việt Nam. Phần lớn các thuyền viên chức danh thợ đều có trình độ tiếng Anh kém dưới mức yêu cầu tối thiểu của các chủ tàu nước ngoài và STCW nên chỉ có thể làm việc với sỹ quan Việt Nam”, đại diện Cục Hàng hải VN nhận định và nói thêm, cũng cần có giải pháp để giảm thiểu tình trạng thuyền viên trốn ở lại nước ngoài. Đây là một hiện tượng xảy ra phổ biến trong những năm vừa qua làm đau đầu các công ty cung ứng thuyền viên và giảm uy tín của thuyền viên Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:261
Lượt truy cập: 176.500.747