Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:
“Đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cấp mở rộng mặt đường, xây dựng lan can khu vực taluy dương cao, nguy hiểm và nâng cấp hệ thống thoát nước trên tuyến QL.49B đoạn qua địa bàn các huyện Phú Lộc, Phú Vang để tránh tình trạng ngập úng khi mưa bão”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời như sau:
Về việc đầu tư nâng cấp mở rộng mặt đường: Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt1 , Quốc lộ 49B (QL.49B) đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài khoảng 103 km (Km 2 - Km105), quy mô quy hoạch cấp III, 2 - 4 làn xe. Trong đó, đoạn từ Km73+400 - Km92+200, dài 19 km đã được đầu tư với quy mô cấp III, 2 làn xe; các đoạn còn lại cơ bản đạt cấp IV-V, 2 làn xe. Do nguồn vốn ngân sách nhà nước2 phân bổ cho Bộ GTVT còn hạn hẹp việc triển khai đầu tư các đoạn còn lại chưa thể thực hiện được do chưa cân đối được nguồn vốn trong giai đoạn 2021 – 2025.
Về việc xây dựng lan can khu vực taluy dương cao, nguy hiểm và nâng cấp hệ thống thoát nước đoạn qua địa bàn các huyện Phú Lộc, Phú Vang: QL.49B đoạn Km73+00-Km93+00, đã được đầu tư mở rộng nền, mặt đường 9m; kết cấu hạ tầng tương đối ổn định. Đối với đoạn Km93 - Km104+800 hàng năm có xảy ra sạt trượt do mưa lũ, thiên tai cực đoan.
Đối với các vị trí sạt trượt taluy âm, taluy dương trên QL.49B, Cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành Lệnh xây dựng công trình, dự án khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 (sửa chữa trong năm 2022); trong đó, có hạng mục lắp dựng hộ lan tôn sóng tại các vị trí nguy hiểm và hạng mục bổ sung rãnh dọc để bảo đảm thoát nước trong mùa mưa bão.
Ngoài ra, do người dân khai thác rừng kinh tế đồng loạt gây biến đổi dòng chảy, phá vỡ hướng thoát nước tự nhiên, mở đường tự phát trong hành lang để khai thác gây sạt trượt. Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế đã có văn bản báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có định hướng, phát triển bền vững giữa trồng cây sinh kế của người dân và giữ ổn định kết cấu địa hình sườn đồi.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT với kiến nghị của cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.