Ảnh minh họa
Theo Sở Giao thông vận tải Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 8.260km đường bộ, trong đó có 3 tuyến quốc lộ (do Bộ GTVT quản lý) với tổng chiều dài khoảng 132km, gồm: Đường Xuyên Á (Quốc lộ 22); Quốc lộ 22B và Quốc lộ 22B kéo dài; còn lại hệ thống đường địa phương khoảng 8.128km, trong đó đường tỉnh quản lý có 35 tuyến, tổng chiều dài 734km; 187 tuyến đường cấp huyện, tổng chiều dài 1.020km và 450 tuyến đường trục chính đô thị (tổng chiều dài 404km), 2.127 tuyến đường xã (tổng chiều dài 3.889km) và khoảng 2.000km là đường ấp, xóm, nội đồng.
Ngoài ra, có 2 tuyến vận tải đường thuỷ theo sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, với tổng chiều dài trên địa bàn tỉnh 140km, có 4 cảng thuỷ nội địa đang khai thác trên sông Vàm Cỏ Đông, gồm: cảng Bến Kéo (cảng hàng hoá), cảng Thanh Phước (cảng hàng hoá), cảng xăng dầu LPG (cảng chuyên dùng), Cảng xi măng Fico (cảng chuyên dùng). Ngoài ra, còn có 134 bến thuỷ nội địa (129 bến hàng hoá và 5 bến khách ngang sông).
Tỉnh đang đầu tư Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Tây Ninh (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng), quy mô 259ha, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 trước năm 2025; cảng thuỷ nội địa Thành Thành Công, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2025.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, nhất là kết nối với Thành phố Hồ Chi Minh gần như chỉ có tuyến đường Quốc lộ 22, từ ngã tư An Sương đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, dài 59km, với quy mô đường cấp II, mặt đường rộng từ 16m đến 18m, hiện đã xuống cấp và quá tải.
Đây chính là điểm “nghẽn” hạn chế sự phát triển của tỉnh thời gian qua. Hệ thống giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh rất thấp, chiếm khoảng 1,6% mạng lưới đường bộ toàn tỉnh, được đầu tư lâu, quy mô nhỏ và đi xuyên qua các đô thị, khu dân cư; hiện nay đã không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Ngoài ra, địa hình của tỉnh bị chia cắt bởi 2 tuyến sông và hồ Dầu Tiếng, cần phải có nguồn lực lớn đề đầu tư các công trình cầu kết nối hai bờ.
Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh cho biết, giai đoạn từ năm 2016 - 2022, tỉnh đã triển khai 38 dự án với tổng vốn đầu tư 5.973 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách địa phương khoảng 4.147 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 1.800 tỷ đồng.
Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: Đường tỉnh ĐT788; ĐT794 (giai đoạn 1); Đường Kà Tum - Tân Hà; ĐT781 từ ngã tư Tân Hưng - ngã ba Bờ Hồ - kết nối tỉnh Bình Dương; đường Phước Vinh - Sóc Thiết - Tà Xia; ĐT790 nối dài đến hồ Dầu Tiếng; ĐT793 (từ ngã tư Tân Bình đi cửa Khẩu Chàng Riệc); các tuyến đường Điện Biên Phủ, 30/4, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trưng Nữ Vương, Trần Phú…
Đặc biệt, kết nối 2 bờ sông Vàm Cỏ Đông có 7 cầu (các công trình cầu đầu tư sau này: Bến Đình, Bến Cây Ổi, Phước Trung, An Hoà); kết nối 2 bờ sông Sài Gòn có 5 cầu (trong đó Dự án cầu đường bắc qua sông Thị Tính kết nối Tây Ninh với Bình Dương mới hoàn thành).
Nhiều dự án trọng điểm đang trong giai đoạn thi công như: Đường 782-784 từ Trảng Bàng đến ngã tư Tân Bình; đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương; đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, đường 782 - 784, 794, 795; Trung tâm Logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng (quy mô 259 ha), cảng cạn Mộc Bài, Thanh Phước...
Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Có thể nói, với tầm nhìn chiến lược, Tây Ninh đã tạo ra đột phá để phát triển bền vững về mọi mặt, khẳng định tầm vóc, diện mạo, vị thế mới.