Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ô tô
các hạng (Trường Trung cấp Nghề GTVT Thanh Hóa)
Hiện nay, Trường Trung cấp Nghề GTVT có 2 cơ sở đào tạo (TP Thanh Hóa và huyện Ngọc Lặc), có đủ các phòng học chuyên môn, phòng mô hình học cụ, phòng học và thi Luật Giao thông đường bộ trên máy vi tính; hệ thống sân học và thi đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GTVT. Nhà trường có 2 trung tâm sát hạch (loại I và loại III), 9 địa điểm sát hạch mô tô hạng A1 (trong đó, có 4 địa điểm lắp thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lái xe gồm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Như Thanh, Triệu Sơn)... Thực hiện Thông tư 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017-TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, năm 2022, nhà trường đã lắp đặt bổ sung 2 phòng máy vi tính, gồm 42 máy vi tính tại cơ sở 1 TP Thanh Hóa và 10 máy vi tính tại cơ sở 2 Ngọc Lặc để học viên học và sát hạch phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; đầu tư mới 15 xe tập lái hạng B, 3 Cabin điện tử phục vụ học lái xe trên Cabin điện tử.
Đi đôi với đó, để đáp ứng nhu cầu học lái xe của Nhân dân, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo cấp giấy phép lái xe, nhà trường đã thực hiện chuyển đổi bổ sung 9 xe sát hạch và làm văn bản báo cáo Cục Đường bộ thẩm định cấp lại giấy chứng nhận trung tâm sát hạch cơ giới đường bộ đủ điều kiện hoạt động. Về phương tiện phục vụ đào tạo, hiện nay nhà trường có 169 xe ô tô và 10 máy công trình các loại, 2 xe mô tô hạng A2, 18 xe mô tô hạng A1, 13 chủng loại trang thiết bị kỹ thuật xưởng phục vụ cho công tác sửa chữa và thực tập.
Đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên... tham gia các lớp đào tạo trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo nghề. Thực hiện các thông tư, văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục Dạy nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, giáo trình, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Đi đôi với đó, nhà trường thực hiện rà soát, bố trí cán bộ, công chức, người lao động phù hợp nhằm phát huy năng lực của từng người trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao... Xây dựng chương trình đào tạo để lập kế hoạch giảng dạy, thực hiện nhiều biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng đào tạo, như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, đầu tư đổi mới phương tiện phục vụ cho việc dạy và học, tăng thời gian học theo đúng quy định, nhất là thời gian học thực hành.
Tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ của người học đến quá trình học lý thuyết, học thực hành nhằm góp phần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nhà trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trong tỉnh mở các lớp đào tạo, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân... Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã được nhà trường triển khai sâu rộng và thực sự đi vào cuộc sống. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể chế hóa, góp phần đưa nhà trường tiếp tục phát triển. Qua các đợt thanh tra của Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa về công tác phòng, chống tham nhũng, tham ô lãng phí; kiểm tra của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; Kiểm toán Nhà nước về kiểm tra thực hiện chi tiêu ngân sách, quản lý tài sản... đã kết luận nhà trường là đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, chấp hành tốt việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, những năm gần đây chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp Nghề GTVT không ngừng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu học ngày càng tăng của Nhân dân. Năm 2022, nhà trường tuyển sinh, học lái xe mô tô hạng A1 là 11.500 học viên, mô tô hạng A2 là 103 học viên, lái xe ô tô các hạng 5.405 học viên, các lớp trung cấp nghề, sơ cấp nghề 82 học viên. Kết quả sát hạch lái xe ô tô các hạng đạt tỷ lệ 60%, mô tô hạng A1 đạt tỷ lệ 70,7%.
Đồng chí Phan Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề GTVT Thanh Hóa, cho biết: Năm 2023, nhà trường phấn đấu đào tạo 5.000 học viên lái xe ô tô các hạng, 12.000 học viên lái xe mô tô, 270 học viên các nghề khác. Để đạt mục tiêu đề ra, đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm chất lượng cho tất cả các ngành nghề đào tạo theo chức năng của nhà trường, kết quả sát hạch lái xe ô tô các hạng đạt 65% trở lên, xe mô tô đạt 75% trở lên, các nghề khác thi tốt nghiệp đạt 100% (có trên 70% khá, giỏi).
Nhà trường tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức lối sống, nhận thức xã hội cho mỗi cán bộ, viên chức, người lao động, rèn luyện ý thức thực hiện nếp sống văn minh lịch sự. Thực hiện các giải pháp tích cực trong công tác tuyển sinh, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập của cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị đào tạo, sát hạch theo lộ trình được quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 của Bộ GTVT quy định. Rà soát bổ sung, sửa đổi các quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của nhà trường.