Cảng Rotterdam là một trong những địa điểm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dừng chân trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan tháng 12/2022 vừa qua và bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, học hỏi để áp dụng xây dựng cho cảng của Việt Nam.
Mô hình của Rotterdam ưu việt thế nào?
Một góc cảng Rotterdam
Sở dĩ Thủ tướng Phạm Minh Chính dành sự quan tâm đặc biệt như vậy vì hiện nay, cảng Rotterdam không chỉ là một trong những cảng lâu đời (từ thế kỷ 14) mà còn lớn nhất châu Âu và bận rộn bậc nhất thế giới.
Từ khởi đầu chỉ là một cảng cá, Rotterdam trở thành cảng lớn vào năm 1360 sau khi xây dựng một con kênh dẫn đến tuyến đường thủy Schie, từ đó có thể tiếp cận các thành phố lớn hơn ở phía Bắc và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa Anh và Đức.
Khi mở rộng dọc theo sông Meuse, Rotterdam trở thành cảng quan trọng thứ hai của Hà Lan. Ngày nay, đây là điểm phân phối chiến lược quan trọng ở châu Âu.
Từ cảng Rotterdam, hàng hóa có thể đến với các trung tâm công nghiệp - kinh tế lớn ở Tây Âu trong vòng 24 tiếng.
Trong thời kỳ hoàng kim từ năm 1962 - 2004, Rottedam là cảng nhộn nhịp nhất thế giới, trải dài 40km, mỗi năm đón hơn 140.000 tàu và xử lý khoảng 460 triệu tấn hàng hóa.
Lợi thế cạnh tranh đầu tiên của Rotterdam phải kể đến là vị trí địa lý. Đây là cảng tổng hợp, nằm trên châu thổ sông Rhin và Meuse cách biển Bắc (Nord Sea) khoảng 26km. Sự liên kết tuyệt vời giữa đất liền, sông và biển đã mang lại lợi thế chiến lược cho Rotterdam.
Ngoài lợi thế “trời ban”, yếu tố được đánh giá là đặc biệt và góp phần mang lại thành công cho cảng đó là mô hình quản lý kết hợp công – tư.
Cảng Rotterdam được quản lý bởi doanh nghiệp công là Công ty Quản lý Cảng Rotterdam, tuy chỉ có 1.200 nhân viên nhưng tạo ra lợi nhuận khoảng 710 triệu euros/năm.
Ban đầu đây là cơ quan thuộc quản lý của thành phố Rotterdam, nhưng kể từ tháng 1/2004, công ty này trở thành doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu chung của thành phố Rotterdam (sở hữu 70%) và Nhà nước Hà Lan (30%), được chia thành nhiều phòng ban khác nhau, từ quản lý thông tin và tài chính cho đến quản lý cảng, du lịch, y tế…
Khi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, phía đại diện cảng Rotterdam cũng nhận định, cảng có mô hình chính quyền cảng hiệu quả, với các yếu tố: Cảng thông minh (Smart port), Cảng an toàn (Safe port), Cảng bền vững môi trường (Sustainable port) và Cảng tiếp cận kết nối (Accessible port).
Cùng với quản lý công, nơi đây có sự tham gia của các công ty tư nhân vừa để phát triển hạ tầng, vừa quản trị các hạng mục khác nhau.
Cảng áp dụng cơ chế “Landlord port” (cảng cho thuê), nghĩa là nhà nước sở hữu toàn bộ đất đai và vùng nước trong cảng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tư nhân thuê lại hạ tầng cảng để xây dựng kho bãi, đầu tư toàn bộ trang thiết bị và thực hiện dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển, lưu kho bãi…
Ưu điểm của mô hình quản lý này là công ty công chia sẻ được gánh nặng tài chính đầu tư, quản lý với các công ty tư.
Mô hình này đã được đánh giá là rất thành công, giúp cho cảng ngày càng phát triển và là điểm Việt Nam có thể học hỏi.
Hệ thống giao thông phát triển, kết nối tốt
Tàu hybrid RPA (màu vàng) giúp tiết kiệm năng lượng,
giảm phát thải đang được ứng dụng tại cảng Rotterdam
Bên cạnh phục vụ vận tải, tại cảng cũng hình thành một trung tâm công nghiệp lớn với các nhà máy lọc dầu, hoá chất, khí đốt… Cảng Rotterdam cũng dẫn đầu Châu Âu trong việc vận chuyển than, nông sản.
Yếu tố quan trọng nhất giúp Rotterdam làm được điều đó chính là việc sở hữu hệ thống giao thông phát triển, hiện đại kết nối đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không thuận tiện đến các thành phố châu Âu khác.
Những con số ấn tượng
Cảng Rotterdam đang chiếm tới 36% tổng lượng hàng hóa lưu thông bằng đường hàng hải vào châu Âu. Cảng được đánh giá là cảng container lớn nhất châu Âu với lượng container lưu thông lên tới 15,3 triệu TEU trong năm 2021. Dù khu vực cảng Rotterdam chỉ có hơn 320.000 người sinh sống nhưng đang tạo ra năng suất tương đương 7% GDP Hà Lan.
Từ Rotterdam, hàng hóa có thể vận chuyển nhanh vào khu vực đất liền thông qua đường cao tốc hay các tuyến vận tải qua sông Rhine, Main, kênh đào Main-Danube và Danube, cũng như khả năng vận tải hàng hóa qua đường sắt.
Đây chính là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Hà Lan trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển và logistics và phát triển được một số ngành kinh tế mũi nhọn như năng lượng, hậu cần, công nghệ cao, hóa chất, khoa học đời sống và y tế, nông sản…
Biến chất thải thành giá trị
Một trong những điểm cộng rất lớn phải kể đến ở Rotterdam là khả năng sáng tạo rất cao. Từ năm 2018, đây là nơi tiên phong đưa tàu tuần tra hybrid mang tên RPA 8 vào sử dụng.
Tàu chạy cả năng lượng điện và diesel, dài 25m giúp tiết kiệm năng lượng tương đương mức tiêu thụ của 65 gia đình trong 1 năm, đồng thời giúp giảm khí thải tương đương lượng khí thải mà 8.000 cây xanh hấp thụ /năm.
Rotterdam cũng sớm ban hành mục tiêu trung hòa CO2 trong cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng và sản xuất năng lượng với kỳ vọng Rotterdam muốn phát triển thành một “trung tâm biến chất thải thành giá trị”.
Về số hóa, tại Rotterdam, quá trình này đã được thúc đẩy mạnh mẽ ngay từ giai đoạn đầu, thể hiện qua nhiều giải pháp mang tên “Port Forward”.
Nhà điều hành cảng Rotterdam hợp tác với tập đoàn công nghệ máy tính IBM để số hóa và tự động hóa các hoạt động vận chuyển từ cách đây 5 năm, dự kiến hoàn thành trước năm 2025 để tự động hóa các hoạt động điều phối tàu biển trên toàn bộ khu vực bờ biển dài khoảng 42km.
Chẳng hạn, cảng đặt mục tiêu sử dụng thiết bị cảm biến để liên tục xử lý và lưu trữ những dữ liệu liên quan đến nước, thời tiết, gió, nhiệt độ, tầm nhìn xa, chuyển động của tàu và vị trí mà tàu có thể bỏ neo tại cảng, tất cả những dữ liệu này sẽ được kết nối với hệ thống điều khiển của cảng Rotterdam.
Công nghệ IoT của IBM sẽ tiến hành phân tích những dữ liệu được gửi đến và tạo ra một hệ thống “kỹ thuật số song sinh” (digital twin) của cảng Rotterdam, thiết lập bản đồ để tăng đáng kể hiệu quả hoạt động quản lý trên toàn bộ khu vực cảng.
Dự án này khi hoàn thành sẽ góp phần tiết kiệm cho các công ty vận tải và cảng đến 80.000 đô la Mỹ/ngày và giảm thời gian chờ ra vào cảng Rotterdam khoảng một giờ, gia tăng số lượng tàu thuyền được xử lý trong một ngày.
Nhờ đó, Rotterdam đang là cảng có kết nối tốt nhất cả về địa lý và trên điện tử khi có kết nối tới hơn 1.000 cảng trên khắp thế giới.
Về khả năng Rotterdam hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, đại diện cảng Rotterdam từng chia sẻ thẳng thắn với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng: Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng các tổ hợp cảng công nghiệp - dịch vụ lớn và phía cảng Rotterdam sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xây dựng cảng trung chuyển cũng có những rủi ro nhất định do cạnh tranh rất cao, nên cần được tính toán rất kỹ lưỡng. Thời gian qua, cảng Rotterdam đã ủng hộ nhiệt tình đối với Việt Nam và các thành phố cảng Việt Nam như Đà Nẵng, TP.HCM, thể hiện sự đánh giá cao của cảng Rotterdam đối với tiềm năng của các thành phố và hệ thống cảng của Việt Nam.