Nghề gác đèn biển ở “Trường Sa” của vùng Đông Bắc

Thứ tư, 25/01/2023 10:29

Trạm hải đăng đảo Trần như ngôi nhà thứ 2 của các anh, họ động viên nhau vượt qua khó khăn, nỗi nhớ đất liền và duy trì ngọn đèn luôn sáng...

“Trường Sa” của vùng Đông Bắc

Đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) là hòn đảo xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh và được mệnh danh là “Trường Sa” của vùng Đông Bắc. Trước khi tới đây, chúng tôi được các thuyền viên của tàu VS59 (thuộc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn Hàng hải Đông Bắc Bộ) dặn dò, hải trình sẽ vất vả vì nơi đây sóng lớn.

Dù ngày Tết, ngày lễ hay bình thường, các công nhân của trạm hải đăng đảo Trần
đều túc trực, giữ cho đèn biển luôn sáng

Không ngoài dự đoán, giữa những ngày tháng 12 lạnh giá, thời tiết nắng đẹp nhưng hành trình ra đảo Trần vẫn ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Sau gần 3 giờ đối mặt với sóng gió, đảo Trần dần hiện lên sừng sững giữa vùng biển mênh mông.

“Do đặc thù công việc làm ở nơi hoang vu, hẻo lánh, không ít công nhân gác đèn hay có dấu hiệu trầm cảm. Họ ngại giao tiếp với những người xung quanh, tự ti về hiểu biết của bản thân với xã hội. Đó là những thiệt thòi của các anh em ở trạm đèn. Do đó, xí nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt lưu ý tới tâm lý của các công nhân. Ngoài ra, xí nghiệp cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra môi trường, nguồn nước, tiếng ồn... tại các trạm đèn để xem ảnh hưởng ra sao tới người lao động. Sức khỏe của mọi người vẫn là trên hết”, Bà Phạm Minh Phượng, Phó giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn Hàng hải Đông Bắc bộ cho biết.

Từ chân núi, chúng tôi vượt quãng đường khoảng 1,5km để lên đến Trạm quản lý đèn biển đảo Trần. Đường lên trạm quanh co với nhiều đoạn dốc, bậc thang muốn chùn chân người đi.

Đón chúng tôi, anh Nguyễn Quy Việt, nhân viên trạm hớn hở bởi lâu lắm mới có khách tới thăm.

Anh Việt cho biết, thời gian gần đây, công nhân trạm đã tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi được đàn gà và một đàn chó: “Trên đảo, việc chăn nuôi hay trồng rau củ đều không dễ dàng. Chưa kể, trên núi thiếu nước ngọt nên hầu hết nước sinh hoạt, tắm rửa của công nhân đều phải dùng nước mưa”.

Trạm trưởng Nguyễn Văn Hoan, 54 tuổi kể, 2 năm qua, có nhiều thời điểm trạm hết nước, các công nhân phải xuống chân núi gánh nước từ bể chứa của bộ đội biên phòng. “Mỗi ngày, một người ở lại trông trạm, còn tất cả anh em được huy động xuống núi gánh nước. Nước gánh lên đỉnh núi vất vả nên chỉ để phục vụ sinh hoạt chung. Còn giặt giũ, tắm rửa, anh em lại phải đi bộ xuống núi”, anh Hoan chia sẻ.

Kể từ ngày đảo Trần được phủ điện lưới quốc gia, một số hộ dân dưới chân núi đã có giếng khoan nên trên đảo không còn lo lắng việc thiếu nước ngọt. Nhưng trên đỉnh núi, không có mạch nước ngầm nên đến nay, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu vẫn là nước mưa. Với nước ngọt để ăn uống, trạm chủ động nhờ biên phòng mua hộ.

Với anh Hoan, chi phí mua nước ngọt đến đảo không đáng bao nhiêu nhưng công sức vận chuyển lên trên núi không rẻ chút nào. Do xe không lên được đỉnh núi nên mọi thứ đều vận chuyển bằng sức người. Không chỉ nước mà bất cứ nguyên, vật liệu nào vận chuyển từ chân đảo lên đỉnh núi cũng đắt đỏ, mất khoảng 3.000 đồng/kg.

Cuộc sống bớt khắc nghiệt khi có điện

Nhấp chén trà, anh Hoan nhớ lại thuở mới được điều động ra đảo vào năm 2007, đảo Trần ngày đó buồn vô hạn. Thời điểm ấy, đảo không có dân cư, đường đi lại chủ yếu là đường mòn, khấp khểnh.

Về sau, để giúp công nhân trạm tiện đi lại hơn, tránh trơn trượt nguy hiểm, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc đã đầu tư làm đường bê tông và xây bậc thang từ dưới lên đỉnh núi.

Suốt 15 năm sống tại đây, anh Hoan chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày của hòn đảo. Trạm hải đăng trên đỉnh núi, đường đi lại khó khăn, xa khu dân cư nên ngày trước, công nhân trạm thường phải xuống núi nhờ bộ đội mua thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt từ đất liền chuyển vào hộ. Ngày đó, mọi người phải thuê chiếc bè nhỏ chạy hơn nửa ngày mới vào đến đất liền.

Càng ngày, đời sống phát triển nên dần có xuồng cao tốc, giúp việc di chuyển thuận lợi hơn. Đặc biệt, từ khi tỉnh Quảng Ninh có chính sách vận động người dân ra đảo lập nghiệp, khu vực dân cư dưới chân núi đã tạo thành một chợ nhỏ với những món đồ hàng hóa phục vụ sinh hoạt cho nội đảo, mọi thứ cũng thuận tiện hơn.

Dịp Tết, có dân cư, hòn đảo nhỏ vui hơn hẳn. Các đơn vị từ biên phòng, bộ binh, trạm đèn, thôn đảo Trần đều đến thăm hỏi, chúc Tết nhau khiến không khí thêm ấm cúng. “Tết đến, anh em trạm đi giao lưu từng đơn vị, cảm nhận được phần nào hơi người, không khí Xuân nên bớt trống trải”, anh Hoan nói.

Tháng 9/2020, Quảng Ninh chính thức đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần. Điện cũng được kéo lên đỉnh núi, giúp đời sống các công nhân trạm “dễ thở” hơn. Theo lời vị Trạm trưởng, lúc điện lưới chưa được kéo lên, trạm duy trì hoạt động bằng máy phát điện. Nhưng theo quy định, việc nổ máy phát điện phải theo thời gian quy định như thời gian trực ca, phục vụ sinh hoạt.

Cái duyên với nghề

Anh Nguyễn Chung Chính làm công tác bảo dưỡng, vệ sinh đèn biển

Đã 6 năm gắn bó với Trạm quản lý hải đăng đảo Trần, anh Nguyễn Chung Chính (Trạm phó) cũng không quên những tháng ngày khó khăn.

Do trạm vận hành máy phát điện nên hàng ngày, anh cùng những người công nhân trạm phải xuống chân núi gánh dầu do đoàn tiếp tế mang đến, mang lên núi duy trì máy phát điện. Đoạn đường dốc nên anh em phải chiết dầu từ thùng phuy vào các can nhỏ khoảng 10 lít/can để gánh.

“Tiêu chí của nghề là không bao giờ được để đèn tắt nên dù mưa gió, bão dông anh em cũng không nề hà, quản ngại”, anh Chính khẳng định. Từ khi trạm có điện lưới, cuộc sống của các công nhân cũng vơi bớt nhọc nhằn, không phải thường xuyên gánh gồng như trước nữa.

Thế nhưng, sống ở nơi đảo xa, ai cũng có lắm tâm sự không biết giãi bày cùng ai. Kết hôn được 2 năm nhưng anh Chính mới có 1 cái Tết ở nhà với vợ.

Tới nay, con đầu lòng đã 15 tháng tuổi nhưng vì công việc, anh vẫn đi biền biệt, xa vợ, xa con bất kể ngày lễ, Tết. Mỗi 3 tháng, anh mới được về nhà 1 lần và kỳ nghỉ mỗi lần thường chỉ kéo dài 1 tháng.

Cuộc sống vất vả và khắc nghiệt, anh Chính thừa nhận bản thân cũng có lúc nản, muốn tìm công việc khác để ở gần nhà, gần vợ con hơn. Ấy vậy, cái duyên và định mệnh cứ gắn anh với nghề gác đèn này. Thậm chí, anh là đời thứ hai tiếp nối công việc này, vì bố anh cũng là cựu công nhân bảo đảm an toàn hàng hải...

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:142576
Lượt truy cập: 176.672.038