Công trình Nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam TP Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh
kết nối hạ tầng Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa đến các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển
Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông
Theo Sở GTVT Phú Yên, giai đoạn 2012-2022, Phú Yên huy động mọi nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng giao thông. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đều được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối liên hoàn với các tuyến quốc lộ, tạo điều kiện cho Phú Yên kết nối thông suốt với cả nước theo 2 trục bắc - nam và đông - tây.
Cụ thể, trục Bắc - Nam có 3 tuyến đường chạy dọc chiều dài của tỉnh là Quốc lộ 1, trục đường ven biển và Quốc lộ 19C. Đây là các trục đường đối ngoại quan trọng để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đi lại cũng như kết nối với các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, các khu du lịch. Trục đông - tây có tuyến Quốc lộ 25, 29, ĐT643, ĐT644, ĐT650… nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 14 và các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và kết nối đến cửa khẩu các nước bạn. Đây là các trục đường ngang chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tạo sự kết nối giữa vùng đồng bằng, duyên hải miền Trung với Tây Nguyên.
Ngoài ra, Phú Yên còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 95,25km; đường thủy nội địa dài 498km; đường hàng không với 2 tuyến bay Tuy Hòa - Hà Nội, Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Theo Sở GTVT Phú Yên, những nỗ lực đầu tư trong 10 năm qua đã tạo nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông của tỉnh. Trong đó, một số điểm nhấn đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá như: dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cù Mông, Quốc lộ 19C, dự án Mở rộng tuyến Quốc lộ 25, Dự án xây dựng cầu Dinh Ông, Dự án nâng cấp đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai… Cùng với đường sắt, đường hàng không đã được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, phát triển của tỉnh Phú Yên cũng như sự liên kết với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình giao thông góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao khả năng kết nối giữa các vùng, tạo sức bật lớn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điều này cũng giúp thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị, nông thôn và miền núi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Nguyễn Đình An cho biết: Những năm qua, huyện Sơn Hòa được đầu tư nhiều tuyến đường huyết mạch quan trọng, tạo nhiều đột phá cho địa phương. Trong đó, tuyến Quốc lộ 19C tạo bộ mặt hoàn toàn mới cho vùng đất cao nguyên Vân Hòa, đưa ngã ba Trà Kê trở thành khu vực sầm uất, nhộn nhịp nhất trên trục giao thông phía tây. Quốc lộ 19C cùng với tuyến đường Kỳ Lộ - Phú Hải giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý cũng như kinh tế - xã hội của hai xã đặc biệt khó khăn Phước Tân và Cà Lúi. Hạ tầng giao thông cũng tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; đời sống người dân được cải thiện rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Minh ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, trước đây gia đình ông trồng mấy sào mía, sắn thì tiền thu hoạch, vận chuyển đã chiếm rất nhiều. Bây giờ đường sá thông thương, thuận tiện, xe lớn vào được tận ruộng rẫy nên việc làm ăn cũng thuận lợi hơn rất nhiều; đời sống ngày càng khấm khá.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết: Giai đoạn 2012-2022, Phú Yên huy động hơn 11.805 tỉ đồng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Hệ thống giao thông đường bộ toàn tỉnh hiện có tổng chiều dài 5.715km, gồm 6 tuyến đường quốc lộ, dài 447km; 10 tuyến tỉnh lộ, dài 230,8km; 659,57km đường huyện; 472,9km đường đô thị; 3.798km đường giao thông nông thôn...
Đầu năm 2023, Phú Yên cùng với cả nước đồng loạt khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước nói chung.
Dự kiến đến năm 2030, Phú Yên sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 25, 29, hoàn thiện các tuyến đường tỉnh, đường sắt tốc độ cao; nâng cấp sân bay Tuy Hòa… tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa Phú Yên trở thành cửa ngõ mới cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tạo thành một vùng kinh tế tổng hợp có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực.