Nam Định: Phát triển hạ tầng GTVT để thúc đẩy phát triển toàn diện KT-XH

Thứ sáu, 03/02/2023 15:06

Năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội nói chung, cũng như các lĩnh vực quản lý của ngành Giao thông Vận tải (GTVT) nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong những tháng đầu năm, giá nguyên vật liệu, xăng dầu biến động mạnh và tăng cao. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định, sự quan tâm tạo điều kiện về đầu tư của Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các địa phương, Sở GTVT Nam Định đã tham mưu kịp thời cho tỉnh trên các lĩnh vực về quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển, quản lý khai thác hệ thống giao thông trên địa bàn; thực hiện tốt chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT; thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa mạng lưới đường tỉnh và quốc lộ được ủy thác, bảo đảm giao thông thông suốt, liên tục trong mọi tình huống.

Khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần -

đường bộ ven biển tháng 12/2022.

Theo Giám đốc Sở GTVT Nam Định Đinh Xuân Hùng cho biết: Trong năm 2022, Sở GTVT đã hoàn thành công tác quy hoạch, quản lý chất lượng công trình, đầu tư xây dựng công trình giao thông như: khảo sát, thu thập số liệu lập phương án bổ sung các điểm đấu nối vào các Quốc lộ: 10, 21, 21B, 37B, 38B và đấu nối với đường sắt; thu thập số liệu phương án lập bổ sung phát triển giao thông đường thủy nội địa; khảo sát, thu thập số liệu, lập phương án bổ sung kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, phát triển logistics trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bổ sung quy hoạch các tuyến: đường gom hai bên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; đường bộ mới thành phố Nam Định - Đường trục phát triển kinh tế biển… Tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Bộ GTVT quy hoạch thêm 3 vị trí cảng cạn gắn với các trung tâm logistics của tỉnh. Thực hiện 254 kết quả thẩm định các dự án, công trình giao thông do Sở GTVT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các huyện làm chủ đầu tư đảm bảo về chất lượng, hiệu quả kinh tế kỹ thuật. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện, địa phương tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản đã hoàn thành và đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án gồm: Kênh nối Đáy - Ninh Cơ; cầu Bến Mới, cầu Đống Cao, cầu Ninh Cường; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh; dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Công tác duy tu, sửa chữa mạng lưới đường tỉnh và quốc lộ ủy thác được duy trì bảo đảm giao thông thông suốt, liên tục trong mọi tình huống. Năm 2022, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 17/17 công trình bảo trì hệ thống quốc lộ, trong đó có 14 công trình sửa chữa định kỳ và 3 công trình xử lý điểm đen tai nạn giao thông; Triển khai 2 công trình bổ sung đột xuất trên các Quốc lộ 21, 21B, đã được Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, đang chờ Bộ GTVT giao vốn để triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Đã hoàn thành 16/16 công trình bảo trì hệ thống đường địa phương, trong đó có 9 công trình làm mới và 4 công trình chuyển tiếp; 2 công trình bổ sung nguồn sự nghiệp và 1 công trình bổ sung nguồn địa phương. Triển khai 2 dự án xây dựng cơ bản nguồn vốn địa phương gồm: Dự án xây dựng cầu Giao Nhân trên tỉnh lộ 488 thuộc địa bàn huyện Giao Thủy đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, đang chờ bố trí vốn để đấu thầu; Dự án cải tạo, nâng cấp cầu Vọp 1, cầu Vọp 2 trên sông Vọp huyện Giao Thuỷ đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư công trình, đang tiếp tục chuẩn bị thủ tục triển khai thực hiện dự án. Với việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông (giảm 14 vụ, tương đương 11,6%); làm 45 người chết (giảm 6 người, bằng 11,8%); bị thương 87 người (giảm 8 người, tương đương 8,4%) so với cùng kỳ năm 2021.

Công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành về vận tải, đăng kiểm phương tiện, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe được tăng cường theo hướng tích cực. Hiện nay toàn tỉnh có 424 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải) tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô với tổng cộng 2.540 chiếc. Trong đó có 221 đơn vị hoạt động vận tải hành khách với tổng số 1.832 chiếc và 38.443 chỗ ngồi; 226 đơn vị vận tải hàng hoá bằng ô tô với tổng số 716 chiếc và 6.751,5 tấn tải trọng. Năm 2022, khối lượng vận tải hành khách đường bộ vận chuyển ước đạt 17,265 triệu lượt hành khách, tăng 20%; khối lượng vận tải hàng hóa đường bộ vận chuyển ước đạt 17,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp tục duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại và chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng dịch trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm định xe cơ giới. Tính đến đầu tháng 12/2022, đã tổ chức được 70 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô các hạng với tỷ lệ đạt trung bình là 60,1% và 238 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2, tỷ lệ đạt trung bình 75,9%.  Kết quả kiểm định phương tiện tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn đạt 60.431 lượt phương tiện; trong đó, tổng số lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn: 55.364 phương tiện, phát hiện 5.067 lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu sửa chữa đảm bảo kỹ thuật và kiểm định lại.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2023 Sở GTVT Nam Định tiếp tục tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để tham mưu cho tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên cơ sở quy hoạch phát triển GTVT đã được phê duyệt. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị, liên quan, chính quyền các địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý các lĩnh vực chuyên ngành: đảm bảo giao thông, trật tự ATGT, quản lý vận tải, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông, công tác GPMB các công trình giao thông;...

Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác đảm bảo giao thông; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ chuyên môn đến tận các xã, thị trấn trong toàn tỉnh để thực hiện tốt công tác bảo trì, đảm bảo giao thông cả giao thông huyết mạch và giao thông nông thôn. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để tham mưu cho tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT trên cơ sở quy hoạch phát triển GTVT đã được phê duyệt.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý điều hành trong các lĩnh vực chuyên môn. Siết chặt quản lý công tác tài chính, tài sản công, xây dựng và triển khai hiệu quả các công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, thông qua công tác thanh tra chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các tồn tại, vi phạm, đảm bảo các hoạt động quản lý của ngành đúng quy định của pháp luật.

 

Nguồn: Báo Nam Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:235421
Lượt truy cập: 176.382.362