Ngày 8/2, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có văn bản báo cáo và tham mưu UBND tỉnh này sớm nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết - Phú Qúy.
Theo Sở GTVT qua khảo sát thực tế hiện trạng khu vực tuyến luồng ngoài cảng bị bồi lắng còn -3,6m và khu vực luồng trong cảng còn -2,0m (theo thông báo hàng hải tuyến luồng hàng hải Phan Thiết là -4,1 m, hệ cao độ Hải đồ).
Tàu neo đậu tại cảng Phan Thiết chờ nhiều giờ thủy triều lên để tránh mắc cạn.
Như vậy, tình trạng bồi lắng đang diễn ra khó lường, không đảm bảo an toàn chạy tàu. Khối lượng nạo vét tuyến luồng Phan Thiết và khu nước trước bến cảng vận tải dự kiến khoảng 70.000m 3 - 100.000m3.
Trên mặt bằng cảng vận tải Phan Thiết hiện đang tập kết 12.785m3 chất nạo vét tại cảng vận tải Phan Thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) đang triển khai các thủ tục đấu giá theo quy định.
Để sớm triển khai thủ tục để thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải, Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, tham mưu UBND tỉnh có ý kiến với Cảng vụ Hàng hải sớm có giải pháp nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải, khu nước trước Bến cảng Phan Thiết và bãi đổ thải.
Ngoài ra, sau khi quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được thông qua, Sở TN&MT sớm quy hoạch bãi đổ thải phục vụ cho hoạt động nạo vét thường xuyên của tuyến luồng hàng hải Phan Thiết. Đấu giá khối lượng vật chất sau nạo vét đang tập kết tại cảng vận tải Phan Thiết trong quý I/2023.
Luồng hàng hải Phan Thiết - Phú Qúy bị bồi lắng nghiêm trọng.
(Trong ảnh: Cát bồi lắng thành cồn cát trước cảng Phan Thiết).
Do đây là luồng hàng hải nên Sở GTVT đề nghị Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận sớm báo cáo và đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam bố trí vốn trong năm 2023 để tổ chức nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Phan Thiết.
Đồng thời, các năm tiếp theo phải thực hiện công tác duy tu thường xuyên hàng năm để đảm bảo duy trì độ sâu trên luồng theo thông báo hàng hải, đảm bảo cho tàu thuyền ra, vào cảng được an toàn, thông suốt.
Ngoài ra, quá trình nạo vét cũng bị “tắc” do khi bùn thải được đưa lên lại vướng bãi đổ thải. Chiếu theo quy định dù là cát, bùn, tạp chất dưới sông, suối là khoáng sản… muốn vận chuyển đi nơi khác ngoài việc có bãi đổ thải và phải đấu giá.
Trong khi đó, thực tế khi trục vớt vật chất dưới sông ngoài một phần cát nhiễm mặn còn lại là bùn lỏng, tạp chất và rác nên không ai mua để đấu giá dẫn đến kẹt đầu ra.