Quảng Ninh: Tăng cường kết nối giao thông vùng, mở rộng cơ hội phát triển

Thứ hai, 13/02/2023 14:34

Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” và Hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Những năm qua, đặc biệt là 2 nhiệm kỳ gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo… Quảng Ninh đã tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông động lực, tăng cường liên kết vùng. Qua đó đã được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh năng động, đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Trong chiến lược phát triển của mình, Quảng Ninh xác định, không chỉ tập trung phát triển nội tỉnh mà phải tăng cường mở rộng liên kết vùng. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KT-XH của Quảng Ninh cũng như các tỉnh trong vùng cùng phát triển.

Từ quan điểm đó, sớm nhận diện vai trò của liên kết vùng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua, Quảng Ninh đã chủ động dành nguồn lực không nhỏ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, XV đều đề ra chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện ba đột phá chiến lược của Đảng, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nhờ đó, thập niên vừa qua, Quảng Ninh đã mang một diện mạo mới, với hàng loạt công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực.

Sớm nhận diện vai trò của liên kết vùng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông,
Quảng Ninh đã mang một diện mạo mới đồng bộ và hiện đại.

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Để tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội, Quảng Ninh luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới. Từ đó, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển của từng tỉnh, thành phố để tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhờ vậy, ngay từ rất sớm, tỉnh đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư, trong đó tập trung vào đầu tư các dự án động lực, mang tính đột phá chiến lược.

Với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình động lực nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Chỉ tính riêng trong thập niên qua, Quảng Ninh đã huy động được gần 60.000 tỷ đồng để triển khai các dự án. Trong đó, nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Các dự án khi đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển không gian của tỉnh mà còn mở ra không gian phát triển mới cho khu vực, thúc đẩy phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; khai thác, phát huy được tối đa lợi thế, tiềm năng vùng và khu vực.

Định hướng liên kết vùng của tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay, Quảng Ninh đã hoàn thiện và thông qua quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng đồng bộ, tăng cường kết nối các khu vực trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh; khai thác hiệu quả các loại hình vận tải, chú trọng vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics... Từ định hướng này, tỉnh tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng giao thông, cả về cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường không, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế.

Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông.

Nhờ những cách làm chủ động, đột phá, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã xác lập vị thế mới, vượt trội và hàm chứa những cảm hứng phát triển đặc biệt. Thành công đó chính là nhờ bước chuyển dần từ “nâu” sang “xanh”; đầu tư hạ tầng đồng bộ với những công trình không - thủy - bộ hiện đại; thể chế, chính quyền số, môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực cải cách của tỉnh Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT Quảng Ninh: Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Đây chính là động lực quan trọng để tăng trưởng, hình thành chuỗi kết nối kinh tế. Do vậy, với vai trò "đi trước, mở đường" của ngành giao thông, để khai thác lợi thế về vị trí chiến lược của Quảng Ninh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền… Sở GT-VT đã tham mưu với tỉnh triển khai định hướng phát triển mạng lưới giao thông được lồng ghép trong quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Quan điểm là tiếp tục tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong và ngoài tỉnh. Điều này sẽ hình thành chuỗi giá trị liên kết, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Cầu Triều bắc qua sông Kinh Thầy, nối 2 địa phương TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh)
và TX Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào cuối năm 2021. Ảnh: Thu Trang (CTV)

Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã thi công hoàn thành trên 40 công trình giao thông, trong đó có rất nhiều công trình mang tính liên vùng và quốc tế. Điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương; Cầu Tình Yêu; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đưa vào khai thác, sử dụng trong sự vui mừng phấn khởi của đông đảo nhân dân, sự chúc mừng của các tỉnh bạn và lãnh đạo trung ương… Việc sở hữu, đưa vào khai thác các công trình mang tính chất động lực, kết nối vùng đã tạo sức hút mạnh mẽ, hấp dẫn các nhà đầu tư, các tập đoàn uy tín trên thế giới về Quảng Ninh ngay từ khi còn đang triển khai. Điều này góp phần quan trọng để Quảng Ninh duy trì đà tăng trưởng với quyết tâm GRDP trên hai con số trong nhiều năm liên tiếp, trở thành cực tăng trưởng mạnh ở miền Bắc. 

Một trong những công trình nổi bật mang tính kết nối cao và thể hiện rõ tinh thần đổi mới phải kể đến là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Công trình này có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 734 tỷ đồng, còn lại 6.729 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư.

Đây là sân bay quốc tế đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư, hoàn thành sau hơn hai năm thi công, xây dựng và được đầu tư theo hình thức BOT với thiết kế đồng bộ, hiện đại, dùng chung dân dụng và quân sự.

Đây cũng là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320; công suất nhà ga giai đoạn một là 2,5 triệu lượt hành khách/năm.

Một công trình trọng điểm khác là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 khách và thủy thủ đoàn.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu khách quốc tế đến với Hạ Long mà không phải qua chuyển tải, bảo đảm sự an toàn cho du khách.

Đối với hạ tầng giao thông đường bộ, Quảng Ninh đang là một trong những tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam với tổng số gần 100km tính đến thời điểm này. Các tuyến đường cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (thành phố Hà Nội) - Cát Bi (thành phố Hải Phòng) - Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ để triển khai các hoạt động hợp tác, kết nối như: Phối hợp với Hải Dương xây dựng cầu Triều kết nối Đông Triều với Kinh Môn; phối hợp với thành phố Hải Phòng triển khai các thủ tục xây dựng dự án cầu Rừng, dự án cầu Lại Xuân, dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10. Tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B, Quốc lộ 279; xem xét khởi động lại đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km được Quảng Ninh hoàn thành
vào tháng 9/2022 mở ra nhiều cơ hội liên kết mới liên vùng.

Vừa qua, trục cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khai trương. Đây là tuyến đường kết nối với Trung Quốc nên chắc chắn du lịch sẽ phát triển, do được thụ hưởng lượng khách lớn từ Trung Quốc sang Quảng Ninh. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế, 3 cửa khẩu quốc tế. Tuyến đường này không chỉ có ý nghĩa đối với cực tăng trưởng Quảng Ninh thông qua 2 mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, mà còn kết nối 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái, đưa Quảng Ninh có cơ hội trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nền tảng hạ tầng hiện đại, đồng bộ, cùng các loại hình giao thông kết nối đường biển, đường bộ, hàng không và cả đường sắt đang tạo sức hút đầu tư rất lớn cho tỉnh, tạo động lực tăng trưởng dài hạn. Quảng Ninh sẽ tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc trong những năm tới. Và việc kiến tạo hành lang giao thông chất lượng, hiện đại, gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị đã mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả vùng đồng bằng sông Hồng.

Việc đưa những công trình giao thông chiến lược vào sử dụng, kết nối vùng và khu vực là niềm tự hào của người dân Quảng Ninh với nhiều giá trị khác biệt, thể hiện chủ trương đúng đắn, tư duy đổi mới của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh. Đây cũng là những công trình của niềm tin và sức mạnh đoàn kết, của khát vọng, đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, mang tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại SHT, cho biết: Những năm gần đây Quảng Ninh quan tâm dành nguồn lực rất lớn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước, từ đó, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo ATGT, tăng sức hút cho mỗi địa phương, đảm bảo liên thông đồng bộ, tạo thành vùng động lực cho sự phát triển.

Quảng Ninh sớm khẳng định được vai trò của mình trong chuỗi kết nối tổng thể khu vực phía Bắc

Nhờ hạ tầng đồng bộ, vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển của đất nước, Quảng Ninh đã sớm khẳng định được vai trò của mình trong chuỗi kết nối tổng thể khu vực phía Bắc, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.  Tỉnh hiện khẳng định được là một mắt xích quan trọng của trục cao tốc phía Đông Việt Nam, hình thành dựa trên cơ sở các tỉnh, thành phố có trục đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái dài gần 300km đi qua, kết nối hàng loạt KCN, các đô thị, nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh, 8 lần TP Đà Nẵng. Trong đó, Quảng Ninh đóng góp gần 2/3 chiều dài tuyến với hệ thống cao tốc dọc tỉnh dài 176km.

Cũng từ các hạ tầng chiến lược, Quảng Ninh cũng như các địa phương liên quan đã rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp quốc tế được hoàn thành; nhiều khu đô thị kiểu mẫu được quy hoạch đồng bộ, góp phần tạo nên chuỗi hệ thống đô thị hiện đại, văn minh; đời sống nhân dân được cải thiện theo tiêu chí hạnh phúc. Điều này góp phần quan trọng để 7 năm liên tiếp Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số.

Tiếp nối những thành quả đã đạt được, trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo trong bối cảnh ngân sách quốc gia còn hạn hẹp, Quảng Ninh đã tiếp tục đề xuất và được Chính phủ chấp thuận để tự phát triển hạ tầng giao thông bằng việc đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công hằng năm và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Theo đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước (dự kiến giai đoạn 2021-2025 là 58.700 tỷ đồng) như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông, qua đó tiếp tục tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo nên những hành lang, không gian phát triển mới.

Nhờ áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP) đối với nhiều dự án, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên
trong cả nước sở hữu sân bay tư nhân, cảng tàu khách chuyên biệt và tự làm đường cao tốc.

Mới đây nhất, từ trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tháng 7/2022, Quảng Ninh cùng với các địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, hình thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần TP Đà Nẵng. Đây là sáng kiến hoàn toàn mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, Quảng Ninh đóng vai trò là trung tâm kết nối khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc kéo dài từ TP Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đây là liên kết kinh tế mạnh góp phần tạo nên không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, hình thành ra cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sẽ giải quyết những thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng chung.

Lãnh đạo VCCI và 4 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên
tổ chức Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Trước đó, vào tháng 5/2022, dự án xây dựng cầu Bến Rừng bắc qua sông Đá Bạch nối huyện Thủy Nguyên của TP Hải Phòng với TX Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh đã được khởi công xây dựng. Cây cầu có chiều dài 1,8km, tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Dự án xây dựng cầu Bến Rừng là một trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp 2 khu kinh tế ven biển năng động vào bậc nhất miền Bắc hiện nay là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải của Hải Phòng và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh.

Cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh qua sông Đá Bạch.

Không chỉ tham gia vào trục cao tốc phía Đông, để khẳng định vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương phía Bắc của tỉnh gồm các địa phương: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh để cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng. Trong đó, tới đây dự kiến tỉnh khởi công cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 342 nối TP Hạ Long với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang. Phía tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ hoàn thành 9km đường nối này trên địa bàn huyện Đình Lập. Tương tự, TP Bắc Giang triển khai 13km nối vào huyện Sơn Động... Đây là công trình giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực mới trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Đồng thời, giảm thời gian di chuyển từ Bắc Giang, Lạng Sơn đến Hạ Long và ngược lại.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cùng đoàn công tác
khảo sát dự án cải tạo nâng cấp đường nối từ QL 279 tại thôn Bằng Anh, xã Tân Dân,
TP Hạ Long (Quảng Ninh) đến trung tâm thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang).

Đóng góp vào quá trình này, Quảng Ninh luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển. Tỉnh đã tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội để tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao.

Cụ thể, tỉnh đã nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cho tuyến hành lang Đông - Tây. Từ năm 2014, khi thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, tỉnh đã báo cáo đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến thành lập KKT ven biển Quảng Yên với cơ chế, chính sách tương đương KKT Đình Vũ - Cát Hải (TP Hải Phòng). Cùng với tuyến cao tốc này, tuyến đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều được nghiên cứu, thực hiện. Tỉnh đã hoàn thành tuyến cao tốc cầu Bạch Đằng - Móng Cái, trong đó Vân Đồn, Móng Cái sẽ là hai mũi đột phá quan trọng với nhiều cơ chế đặc thù của KKT.

TX Đông Triều chi trả tiền bồi thường GPMB dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều.

Ngoài ra, Quảng Ninh đã hợp tác với các địa phương đầu tư, hoàn thành nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông, như: Đường dẫn nối QL18 (tỉnh Quảng Ninh) với QL5 (tỉnh Hải Dương); tuyến kết nối mới từ QL18 với QL37 nối đường 184, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và cầu Đông Mai đến QL18, TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); cầu Quang Thanh và tuyến kết nối đường 390, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) vượt sông Thái Bình nối QL10, huyện An Lão (TP Hải Phòng)...

Đồng chí Cao Tường Huy khảo sát hướng tuyến Hạ Long - Lạng Sơn (tháng 3/2022)

Nhằm tiếp tục thúc đẩy liên kết với các tỉnh, thành phố, tăng sức hút cho mỗi địa phương, góp phần đảm bảo ATGT, Quảng Ninh đã quyết định đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Ba Chẽ có chiều dài 20,9km (điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long tại Km37+500, đường tỉnh 342, điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn tại Km58+405). Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, rộng 9m, thực hiện cạp mở rộng và hạ dốc, cắt cua trên cơ sở hướng tuyến cũ.

Bản đồ giới tuyến đường tỉnh 342.

Trên tuyến thiết kế 4 cầu gồm: Thác Dạ, Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào và 1 nút giao đồng mức giao cắt với tỉnh lộ 330; hệ thống thoát nước, phòng hộ và ATGT... Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối vùng và khu vực từ vùng thấp, vùng động lực, giao thông, đường biển, đường không. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hình thành chuỗi kết nối kinh tế, mở rộng tổ chức không gian phát triển hướng đến mục tiêu phân bổ nguồn lực đồng đều giữa tất cả các khu vực.

Từ thực tiễn Quảng Ninh, chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới, Bộ GTVT đang đề xuất Chính phủ có sự thay đổi, điều chỉnh. Đó là, quốc lộ, cao tốc của tỉnh nào thì giao cho địa phương đó đầu tư. Muốn làm được cao tốc thì địa phương phải bỏ tiền GPMB, Chính phủ hỗ trợ một phần xây lắp, tùy theo từng dự án có tỷ lệ phù hợp. Kinh phí duy tu, bảo trì chuyển về cho địa phương thực hiện, Bộ GTVT chỉ điều hành, quy hoạch chiến lược, quy hoạch đường cao tốc, sau đó giao cho địa phương thực hiện. Như vậy, nguồn lực xã hội sẽ tiếp tục được khai thác để phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới. Trong đó, trước mắt, tỉnh kỳ vọng có thêm 2 tuyến đường cao tốc mới được đầu tư là: Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, điểm cuối tại cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh dài khoảng 57km; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng, điểm đầu tại cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên- Móng Cái, đoạn qua địa bàn tỉnh dài khoảng 25km…

Việc đẩy mạnh các công trình liên kết vùng đã tạo ra sự tương hỗ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác hiệu quả lợi thế từng địa phương để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí, dàn trải và sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều này, đang đúng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng, góp phần tháo dỡ rào cản cho các địa phương trong khu vực cùng phát triển. Để từ đó, liên kết kinh tế vùng sẽ giúp nhiều địa phương, nhất là vùng có điều kiện khó khăn, phát huy được tiềm năng, lợi thế và thu hẹp khoảng cách với những vùng phát triển hơn của đất nước.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:95937
Lượt truy cập: 176.229.116