Dự án đường vành đai sân bay Cần Thơ, giai đoạn 1, đoạn từ nút giao đường Võ Văn Kiệt đến Km1+675, được phê duyệt tại Quyết định số 2863/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 với tổng mức đầu tư hơn 137 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 100 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại nút giao Võ Văn Kiệt.
UBND TP Cần Thơ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 làm chủ đầu tư dự án, dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, dự án gặp khó trong giải phóng mặt bằng. Tháng 6/2021, dự án được UBND TP Cần Thơ chuyển cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản làm chủ đầu tư.
Gói thầu thi công xây lắp công trình được khởi công ngày 30/12/2019, tuy nhiên, tiến độ thực hiện đến nay vẫn chậm trễ, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
Công trình thi công dang dở, trong khi tuyến đường cũ nhỏ hẹp, xuống cấp.
Trường hợp dự án không được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, phải tạm dừng, không tiếp tục thi công có thể phát sinh tình trạng tái lấn chiếm của người dân. Dự án thi công dở dang ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện giao thông, vì tuyến đường này là tuyến đường huyết mạch nối sân bay Cần Thơ với quốc lộ 91 đi các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
UBND TP Cần Thơ đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 cho dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công. Khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND TP Cần Thơ cam kết sẽ bố trí đủ vốn hoàn thành dự án trong năm 2023.
Tuyến đường kết nối đường Võ Văn Kiệt, sân bay Cần Thơ với quốc lộ 91, 91B
đi các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.
Theo UBND TP Cần Thơ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố được giao là hơn 8.335 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến ngày 31/1/2023 đạt hơn 6.255 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó ngân sách Trung ương giải ngân 1.939/3.023 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64%.
UBND TP Cần Thơ đã có công văn gửi các bộ, ngành Trung ương, đề nghị cắt giảm số vốn 1.450 tỷ đồng vốn ODA (trong đó, vốn ngân sách Trung ương cấp phát 1.056 tỷ đồng, Chính phủ vay về cho vay lại 394 tỷ đồng).
Theo ý kiến phản hồi của Bộ KH&ĐT, do chưa có cơ quan Trung ương, địa phương đề xuất điều chỉnh tăng vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài) nên chưa thể tổng hợp trình cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài) theo đề nghị của UBND TP Cần Thơ. Vì vậy, đầu năm 2023, thành phố chưa thể giao chi tiết hết kế hoạch vốn ODA cho các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022.
Về tình hình giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 TP Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 7.875 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 5.144 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 2.730 tỷ đồng.
Đến nay, thành phố đã giao chi tiết hơn 5.679 tỷ đồng. Còn lại hơn 2.195 tỷ đồng chưa giao chi tiết, trong đó, dự kiến bố trí 1.040 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) cho các dự án: Đường vành đai sân bay; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị CDC Cần Thơ; nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 9 trung tâm y tế huyện.
Đối với số vốn hơn 422 tỷ đồng (vốn nước ngoài), dự kiến bố trí cho dự án kè sông Cần Thơ và dự án Bệnh viện Ung bướu.