24 công nghệ mới, vật liệu mới được ứng dụng trong bảo trì đường bộ
Tại Hội thảo, đại diện Phòng Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế - Cục Đường bộ VN cho biết, công tác ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới (CNM, VLM) trong xây dựng và bảo trì đường bộ của Cục Đường bộ VN trong hơn 10 năm qua đã đạt được hiệu quả cao về mặt kinh tế - kỹ thuật - môi trường, góp phần thêm các giải pháp kỹ thuật mới (bên cạnh các giải pháp kỹ thuật truyền thống) cho từng hạng mục, dự án cụ thể, từ đó tiết kiệm tài nguyên, giảm khí phát thải nhà kính.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN phát biểu tại hội thảo
Trong đó, liên quan đến xây dựng và bảo trì kết cấu áo đường, nổi bật có các công nghệ như: Công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ giúp tận dụng vật liệu mặt đường cũ, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, thân thiện với môi trường; Công nghệ bê tông nhựa tái chế nóng; Công nghệ bê tông nhựa ấm; Công nghệ lớp phủ mỏng Microsurfacing trong bảo trì dự phòng mặt đường, giúp kéo dài tuổi thọ mặt đường.
Ngoài ra còn có công nghệ mặt đường bán mềm áp dụng tại nút giao có nhiều xe tải nặng, các bến, bãi đỗ xe, bến cảng container và Công nghệ vá sửa khẩn cấp ổ gà, lún lõm mặt đường trong mùa mưa bão bằng bê tông nhựa nguội phản ứng nước để đảm bảo giao thông.
Một số vật liệu mới cũng được ứng dụng như: Vật liệu nhũ tương nhựa đường a xít; Vật liệu phụ gia tăng cường dính bám đá nhựa trong sản xuất bê tông nhựa; phụ gia tăng cường tính năng của bê tông nhựa chống hằn lún vệt bánh.
Các CNM, VLM liên quan đến bảo vệ mái dốc (taluy) đường bộ nổi bật phải kể đến: Lưới thép cường độ cao lắp đặt trên các mái dốc ta luy đá phong hoá; Lưới thép xoắn kép có hoặc không gia cường cáp thép dùng để gia cố ổn định bề mặt mái dốc, chống đá lở, đá rơi; Công nghệ neo đất SEEE bảo vệ, phòng chống sụt trượt sâu các mái dốc (đã thí điểm tại đường dẫn cầu Bãi Cháy, QL.18, tỉnh Quảng Ninh); Vật liệu NEOWEB (khung nhựa HDPE chứa đất) để gia cố mái taluy; Vật liệu tấm phủ có chứa hạt cỏ giúp bảo vệ chống xói lở bề mặt ta luy đường bộ, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Liên quan đến an toàn đường bộ, các CNM, VLM được ứng dụng như: Lan can phòng hộ con xoay, Lan can tường lốp lắp đặt tại các đoạn đường cong, khu vực đèo dốc để giảm thiểu TNGT tại các vị trí có nguy cơ mất ATGT cao; Băng dán định hình dán trên bề mặt đường mới để thông xe ngay, có tuổi thọ cao hoặc làm vạch kẻ đường tạm thời để thi công đường đang khai thác.
Các CNM, VLM liên quan đến bảo trì công trình cầu đã được ứng dụng thời gian qua gồm: Công nghệ bê tông siêu tính năng (UHPC); Vật liệu cáp DUL tăng cường tính bảo vệ đặc biệt trong môi trường gần biển.
Ngoài ra còn áp dụng vật liệu sợi các bon trong tăng cường cho kết cấu dầm chủ, mố, trụ; Hệ thống kích nâng đồng bộ kết cấu nhịp để thay thế gối cầu; Sửa chữa cầu bằng giải pháp phun bê tông cường độ cao tăng tiết diện kết cấu; Áp dụng công nghệ sử dụng khe co giãn chèn asphalt tại các công trình cầu đường bộ; Sử dụng thanh bar cường độ cao và bu lông neo hóa chất kết hợp cơ học để tăng cường cầu yếu và nâng cấp cầu cũ,…
Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng CNM, VLM hiện chưa được các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn quan tâm do việc áp dụng phải mất thời gian, công sức tìm hiểu nghiên cứu; tâm lý còn e ngại so với những giải pháp kỹ thuật truyền thống.
Ngoài ra cũng chưa có cơ chế thật hiệu quả để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đổi mới KHCN và ứng dụng CNM, VLM do cần sự đầu tư lớn cho dây chuyền thiết bị, công nghệ, nhân lực.
Việc chưa có hướng dẫn đồng bộ về việc triển khai thí điểm, ứng dụng CNM, VLM và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật đối với các CNM, VLM để thuận lợi áp dụng trong thực tế tại Việt Nam; Một số CNM, VLM lần đầu áp dụng chưa có định mức,…cũng là nguyên nhân khiến việc ứng dụng thực tiễn gặp khó khăn.
Quang cảnh hội thảo
Tăng cường ứng dụng CNM, VLM trong bảo trì đường bộ
Tại Hội thảo, đại diện Vụ KHCN, Bộ GTVT đánh giá cao việc áp dụng mạnh mẽ CNM, VLM của Cục Đường bộ VN, các đơn vị thực hiện công tác bảo trì đường bộ trong 10 năm qua. Đồng thời, đề nghị cần có tổng kết, đánh giá các công nghệ đã áp dụng từ đó rút kinh nghiệm, có những khuyến cáo để tiếp tục ứng dụng một cách phù hợp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN biểu dương sự phối hợp hiệu quả của các doanh nghiệp trong công tác bảo trì đã đưa 1 số CNM, VLM vào ứng dụng đem lại hiệu quả, đổi mới thể hiện sự năng động.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cũng bày tỏ sự đồng cảm trước những vất vả, khó khăn của các nhà đầu tư khi phải đầu tư máy móc, thiết bị để áp dụng CNM, VLM nhưng khả năng thu hồi vốn, khấu hao gặp khó khăn, một số dự án vẫn dang dở, chưa được ban hành tiêu chuẩn.
Từ đó, ông Cường mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư CNM, VLM giúp tăng cường hơn nữa ứng dụng CNM, VLM trong hoạt động bảo trì để đạt được hiệu quả bền vững, tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường.
Cục trưởng Cục Đường bộ VN cũng đề nghị Phòng KHCN nên chia các nhóm CNM, VLM theo hướng đã có tiêu chuẩn, định mức; nhóm ứng dụng rồi nhưng còn thiếu tiêu chuẩn, định mức (tiếp tục báo cáo Bộ GTVT để ban hành tiêu chuẩn cơ sở nếu chưa thể ban hành TCVN) và nhóm một số CNM, VLM trên thế giới đã có nhưng khi đưa về Việt Nam vẫn cần tiếp tục, nghiên cứu, làm thí điểm theo đúng trình tự để tiến tới xây dựng tiêu chuẩn, định mức nhằm ứng dụng phổ biến.
“Các chủ đầu tư, Khu Quản lý đường bộ, Sở GTVT các địa phương cần có đánh giá, khuyến cáo sau khi ứng dụng các CNM, VLM và gửi về Cục Đường bộ VN trước ngày 25/2 để Phòng KHCN tổng hợp lại tạo thành một sổ tay hướng dẫn trong ứng dụng CNM, VLM, làm cơ sở áp dụng cho các dự án tới giúp triển khai nhanh chóng và tiết kiệm thời gian”, ông Cường nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị khi xây dựng kế hoạch dự án phải tính đến bảo trì dự phòng và giao các Sở GTVT địa phương, các Khu Quản lý đường bộ, chủ đầu tư phải ứng dụng CNM, VLM ít nhất 15% trong kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2024. Phòng Bảo trì, Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng phối hợp với Phòng KHCN giám sát việc thực hiện, có sự đôn đốc để hoàn thành chỉ tiêu.