Tây Ninh: Hạ tầng giao thông - cần được đầu tư tương xứng với vai trò “huyết mạch" của nền kinh tế

Thứ sáu, 24/02/2023 13:43

Mạng lưới giao thông tốt là cơ sở đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá giữa các vùng, các địa phương...

Bắt đầu khởi động Dự án đường 789, tạo sự đột phát triển giao thông đường bộ

liên kết vùng từ Tây Ninh đi các tỉnh, thành khác

Hạ tầng giao thông có vai trò nền móng, tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới giao thông tốt là cơ sở đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá giữa các vùng, các địa phương, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hoá, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Với ý nghĩa đó, hạ tầng giao thông được Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là một trong 4 chương trình đột phá chiến lược của tỉnh. Hạ tầng giao thông được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, tính kết nối và khả dụng cao, đi trước - mở đường cho sự phát triển của tỉnh.

Vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn

Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển, chuyển biến mạnh mẽ. Mật độ đường giao thông tương đối cao so với các tỉnh trong khu vực. Mạng lưới đường bộ hình thành các liên kết đối nội tốt giúp hàng hoá được luân chuyển nội vùng từ thành thị tới nông thôn. Hệ thống giao thông của tỉnh Tây Ninh đã hình thành các trục giao thông Bắc - Nam tương đối đầy đủ (QL22, QL22B, ĐT.82-ĐT784-ĐT793, ĐT785…) và một số trục liên kết Đông - Tây (ĐT781, ĐT786, ĐT787, ĐT794, Thiện Ngôn - Tân Hiệp, ĐT795, Đất Sét - Bến Củi...). Tỉnh có 2 tuyến đường thuỷ quốc gia chạy dọc theo hướng Bắc - Nam (Sài Gòn - Bến Kéo và Sài Gòn - Bến Súc - Bến Củi) kết nối thuận lợi Tây Ninh với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Gần đây, nhiều dự án giao thông quan trọng hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như: Đường ĐT794 giai đoạn 1; đường và cầu Bến Đình; nâng cấp, mở rộng đường Bình Dương; nâng cấp, cải tạo và ngầm hóa đường 30/4; đường và cầu Bến cây Ổi; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT793-792, Cầu An Hoà…

Qua đó, từng bước cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tăng khả năng kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, xúc tiến đầu tư, phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn hạn chế, khó khăn như: Tỉnh chỉ có hai phương thức vận tải là đường bộ và đường thuỷ nội địa, vận tải đường bộ là chủ yếu nhưng chưa có đường cao tốc. Hệ thống giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh rất thấp gồm QL22 và QL22B có quy mô nhỏ, nhất là QL22B đạt tiêu chuẩn đường cấp III và đi xuyên qua các đô thị, khu dân cư, hiện đã không đáp ứng được nhu cầu vận tải và mất an toàn giao thông.

Hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, kết nối với Thành phố Hồ Chi Minh gần như chỉ có QL22, hiện đã xuống cấp và "mãn tải" (hết công suất khai thác và trở nên quá tải) nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng, vào các giờ cao điểm đoạn từ Củ Chi đến An Sương và một số đoạn qua Khu Công nghiệp Trảng Bàng, đô thị Trảng Bàng và đô thị Gò Dầu luôn bị ùn tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực, của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giáp với tỉnh Bình Dương là sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 50km, nhưng chỉ có 3 điểm kết nối. Trong khi đó, vận tải bằng đường thuỷ nội địa có tiềm năng lớn với 2 tuyến sông chạy dọc tỉnh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh song hiệu quả khai thác chưa cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cùng lãnh đạo ngành GTVT tỉnh
kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công dự án giao thông trọng điểm

Cao tốc - xung lực cho sự phát triển

Việc đầu tư hệ thống cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát là mong mỏi của mọi người dân Tây Ninh từ nhiều năm nay. Đây cũng là tiền đề, xung lực quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của Tây Ninh, tạo bước đột phá, lan toả trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng phát triển tiểu vùng phía Bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, trồng cây công nghiệp, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học. Để hiện thực hoá được mục tiêu này hạ tầng giao thông sẽ được ưu tiên đầu tư đồng bộ kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực.

Theo đó, tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh. Phấn đấu đến năm 2030, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt, trong đó có cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 4 chương trình đột phá trong đó có đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng. Nghị quyết ghi rõ: “Đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó tập trung hiện thực hoá dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, hai dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát được xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành Giao thông vận tải. Lãnh đạo Sở GTVT Tây Ninh cho biết, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền triển khai (theo Văn bản số 1823/TTg-CN ngày 28.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã họp Tổ Thẩm định liên ngành; các cơ quan của Thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh lại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về phía Tây Ninh, tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý I/2023. Đối với Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1 (đoạn từ Gò Dầu đến Thành phố Tây Ninh), nhà đầu tư đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và nộp đề xuất xin chủ trương đầu tư.

Ngoài các tuyến cao tốc, trên địa bàn tỉnh có một số dự án do Trung ương đầu tư cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khởi công năm 2023, hoàn thành trong năm 2025. Đường tuần tra biên giới (các đoạn còn lại), tỉnh phối hợp với Quân khu 7, Ban QLDA đường tuần tra biên giới đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành trong năm 2024.

Thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường 794 giai đoạn 2

Chủ động tiến độ các dự án giao thông trọng điểm do tỉnh đầu tư

Tây Ninh hiện có 8.282km đường bộ, trong đó có 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 154km và 8.128 km đường bộ do địa phương quản lý. Theo lãnh đạo Sở GTVT, năm 2023, tỉnh nỗ lực hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 8 dự án trọng điểm do tỉnh đầu tư, gồm: dự án nâng cấp, mở rộng ĐT782 - ĐT784 từ ngã ba tuyến tránh QL22B đến ngã tư Tân Bình (quý II/2023); nâng cấp, mở rộng ĐT795 (quý III/2023); đường Đất Sét - Bến Củi (quý IV/2023); đường ĐT794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2) (quý IV/2023); tiểu dự án đường mòn Bàu Tà On (quý IV/2023); tiểu dự án đường vào cầu Ông Sãi (quý IV/2023); Cảng cạn Thanh Phước (quý II/2023), Cảng cạn Mộc Bài giai đoạn 1 (quý II/2023).

Trong năm nay, tỉnh Tây Ninh khởi công dự án đường Trường Hoà - Chà Là (từ Nguyễn Văn Linh đến ĐT784), dự kiến trong quý III/2023 và triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Bên cạnh đó, phối hợp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án kêu gọi xã hội hoá, gồm dự án Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 cảng cạn Thanh Phước (quý III/2023), Cảng cạn Mộc Bài giai đoạn 1 (quý III/2023). Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện đề án nghiên cứu thiết kế phương án tổ chức giao thông tại các giao lộ có nguy cơ ùn ứ, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Cầu nối liền Tây Ninh - Bình Dương và Dự án đường Đất Sét - Bến Củi
thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh, ngành GTVT tỉnh Tây Ninh
trong đột phá giao thông liên kết vùng

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An thực hiện hiệu quả các chương tình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2025 đã được ký kết.

Trong đó tập trung các nhiệm vụ: Nâng cấp luồng đường thuỷ nội địa sông Sài Gòn, quy hoạch và công bố luồng tuyến trong hồ Dầu Tiếng; thống nhất kế hoạch và phương án hợp tác đầu tư đường và cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối từ ĐT789 (Tây Ninh đến ĐT744 (Bình Dương), đầu tư đường và cầu bắc qua rạch Đường Xuồng kết nối từ đường An Thạnh - Trà Cao (Tây Ninh) đến ĐT838C (Long An).

Nguồn: Báo Tây Ninh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:75283
Lượt truy cập: 176.158.538