Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 21/BDN ngày 10/01/2023, nội dung kiến nghị như sau:
“Đề nghị ban hành hướng dẫn phương án xử lý đấu nối vào quốc lộ của các công trình, dự án, nhà ở đã tồn tại từ lâu trong các đô thị hiện hữu tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 về sửa đổi Điều 20, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT quy định về đường nhánh đấu nối vào quốc lộ. Thực tế hiện nay có rất nhiều công trình, dự án, nhà ở đã được xây dựng từ lâu nằm dọc các tuyến quốc lộ chạy qua các đô thị hiện hữu đã được đấu nối vào quốc lộ và không có khả năng bố trí quỹ đất để xây dựng đường gom. Các vị trí này đã được quy hoạch phân khu đô thị và không quy hoạch đường gom nhưng khi triển khai lập quy hoạch chi tiết dự án thì vướng mắc về quy định của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời như sau: Để giao thông trên các tuyến đường bộ nói chung và trên hệ thống quốc lộ nói riêng luôn an toàn, thông suốt, duy trì được năng lực thông hành (khả năng phục vụ của tuyến đường), đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần phải hạn chế số điểm đấu nối trực tiếp vào quốc lộ; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả phạm vi đất dành cho đường bộ, nhất là đất hành lang an toàn đường bộ; xử lý nghiêm các hành vi phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ ...
Tuy nhiên, đúng như ý kiến phản ánh của cử tri, từ trước đến nay, có rất nhiều công trình, dự án, nhà ở đã được xây dựng từ lâu nằm dọc các tuyến quốc lộ chạy qua các đô thị; do nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan đã đấu nối tự phát vào quốc lộ (không được cấp có thẩm quyền cho phép); đa số các dự án, công trình có điểm đấu nối tự phát, không được cơ quan chức năng của địa phương bố trí quỹ đất để xây dựng đường gom.
Để tổ chức thực hiện quản lý nhà nước và khắc phục các tồn tại, bất cập trong quản lý khai thác, sử dụng đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, việc đấu nối đường nhánh vào quốc lộ đã được quy định đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật đến các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Giao thông vận tải. Trong thời gian vừa qua, các quy định về đấu nối đường nhánh vào quốc lộ đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình giải quyết các trường hợp đấu nối vào quốc lộ của các công trình, dự án, nhà ở đã tồn tại từ lâu trong các đô thị, nhất là các trường hợp có liên quan đến vướng mắc về giải phóng mặt bằng để xây dựng đường gom, đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương nghiên cứu quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, nhất là các điều, khoản có quy định liên quan đến: quản lý khai thác, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đấu nối đường nhánh vào quốc lộ; giải quyết các tồn tại về sử dụng hành lang an toàn đường bộ để triển khai thực hiện nhằm vừa bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, vừa giải quyết được các tồn tại, bất cập theo đúng quy định, thượng tôn pháp luật và bảo đảm công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật qua các giai đoạn phát triển của đất nước.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT với kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.