Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận phát triển. Chính vì thế, việc triển khai Dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, chủ đầu tư, các địa phương liên quan và người dân.
Thi công tuyến nhánh đi đèo Nhe, giáp với tỉnh Vĩnh Phúc.
Tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (gọi tắt là Ban QLDAGT), chủ đầu tư Dự án Tuyến đường liên kết, ngày 13/3, chúng tôi cảm nhận rõ không khí thi công trên công trường. Tại địa phận xã Phúc Thuận và xã Thành Công (TP. Phổ Yên), chúng tôi gặp Đoàn công tác của Sở Giao thông vận tải và của Tổng công ty 319 Bộ Quốc Phòng - một nhà thầu chính, cũng đang đi kiểm tra định kỳ Dự án.
Anh Phan Văn Biển, cán bộ kỹ thuật Đội số 3, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Dịch vụ Sông Đà (nhà thầu phụ của Tổng Công ty 319), thi công gói thầu từ lý trình Km16+119 đến Km17+500, thuộc xã Phúc Thuận, cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi huy động tối đa máy móc, nhân lực để thực hiện gói thầu. Tính đến thời điểm hiện tại, Đội đã thi công gần xong phần đắp nền đường, đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, hiện còn một vài vị trí vướng mặt bằng nên chúng tôi buộc phải làm sau.
Theo ông Lê Vĩnh Khang, Trưởng Phòng Quản lý Dự án 2, Ban QLDAGT, Phó Trưởng Ban điều hành Dự án Tuyến đường liên kết: Để đảm bảo tiến độ Dự án, Ban chỉ đạo các nhà thầu thi công triển khai đồng loạt nhiều mũi, đảm bảo bám sát tình hình thực tế. Đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền 2 địa phương có Dự án đi qua là TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB). Tính đến ngày 10/3, trên 70% mặt bằng đã được bàn giao cho chủ đầu tư. Trong đó, Phổ Yên đã bàn giao 110/167,49ha, di chuyển được 455/490 ngôi mộ; Đại Từ bàn giao được 44/51,7ha, di chuyển 66/66 ngôi mộ. Trong tổng kinh phí bồi thường GPMB được phê duyệt, Ban đã chuyển cho TP. Phổ Yên hơn 962/999 tỷ đồng; huyện Đại Từ 132/134 tỷ đồng.
Đến nay, Liên danh nhà thầu gồm: Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc Phòng, Công ty TNHH MTV Minh Đăng huy động đến hiện trường hơn 100 cán bộ quản lý và kỹ thuật; trên 250 công nhân; 220 xe, máy; 3 phòng thí nghiệm, tổ chức gần 20 mũi thi công trên toàn bộ Dự án.
Hiện, nền đường đã được đào đắp 31,55/42,55km; đang tổ chức thi công 7/11 cầu; 13/28 hầm chui dân sinh; 46/191 cống ngang; tường chắn Km24+050- Km24+195, gia cố mái ta luy loại 2 và xây 4 vị trí hoàn trả mương thủy lợi. Giá trị đạt 279,537/2.544,84 tỷ đồng, xấp xỉ 11% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Dự án hiện gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Theo ông Đinh Việt Năng, cán bộ Ban điều hành Dự án: Vẫn còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do chưa nhận tiền hoặc chưa có tái định cư nên đơn vị thi công không thể triển khai công việc đồng bộ trên tuyến; các vị trí xây dựng cầu vượt nằm trong khu vực đông dân cư nên công tác bàn giao mặt bằng chậm, thiếu mặt bằng và đường vận chuyển thiết bị, vật liệu thi công; công tác xây dựng các khu tái định cư và bố trí tái định cư còn chậm. Việc di dời một số công trình công cộng chưa theo kịp kế hoạch. Nếu các địa phương không tiếp tục quyết liệt GPMB thì rất khó để Dự án về trước kế hoạch.
Ngoài ra, một khó khăn khác là thiếu nguồn đất san lấp. Mặc dù về tổng thể thì Dự án cơ bản đủ điều tiết nguồn đất nội bộ trên tuyến, từ huyện Đại Từ về 3 phường (Tân Hương, Đồng Tiến, Nam Tiến) của TP. Phổ Yên, với khoảng 500 nghìn m3, nhưng do khoảng cách xa nên chi phí vận chuyển cao, gây khó khăn cho các nhà thầu.
Liên quan đến nội dung này, trong cuộc họp với các ban quản lý dự án, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan ngày 31/1 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong Quý I, các địa phương: Phổ Yên, Phú Bình, Đại Từ và TP. Thái Nguyên kiểm tra, rà soát, phối hợp với các ngành trình ngay phương án cấp các mỏ đất và phải hoàn thiện trong Quý II/2023. Cũng tại cuộc họp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các cấp, ngành phải tập trung cao độ cho việc thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm; triển khai chậm, sai sót ở khâu nào, ở đâu thì kiên quyết xử lý cán bộ có trách nhiệm ở đó…
Có thể nói, Dự án Tuyến đường liên kết là một trong những dự án đặc biệt quan trọng của tỉnh hiện nay, khi đi vào khai thác sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho tỉnh và các địa phương lân cận… Chính vì thế, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục coi việc triển khai Dự án là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại.