Công nhân thi công cầu Rạch Ông, một hạng mục trên tuyến đường 991B.
“Giao thông đi trước một bước”
Đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh dài 197,6km, đi qua 5 địa phương, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Trong đó đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài hơn 18km. Điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha (TX.Phú Mỹ) khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường ĐT992, cách đường cao tốc khoảng 230m. Điểm cuối trên địa bàn huyện Châu Đức (giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, vị trí Hồ Bầu Cạn) tiếp nối với dự án đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo quy hoạch, đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu được đầu tư quy mô 8 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang 74,5m. Hiện tỉnh đang tích cực chuẩn bị triển khai dự án đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh nhằm mở rộng không gian phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng của vùng. Đây cũng là điểm nhấn trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ (để thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW) của các địa phương trong vùng.
Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT cho biết, xác định tầm quan trọng của dự án này, Nghị quyết số 80 ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh đã thông qua kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án là 1.600 tỷ đồng để tiến hành giải phóng mặt bằng. Trong Quý II/2023, tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ hoàn thành các bước thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, tổ chức lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, bàn giao mặt bằng và khởi công công trình.
Theo Sở KHĐT, qua rà soát kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, nguồn lực ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 mới cân đối được khoảng 37.800 tỷ đồng/70.289 tỷ đồng, tức là chỉ mới đáp ứng được 53,7% tổng nhu cầu. Do đó, cần huy động thêm các nguồn lực ngoài ngân sách khoảng 32.489 tỷ đồng (chiếm 46,3%) để bổ sung nguồn lực, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ông Trần Thượng Chí thông tin thêm, để bảo đảm tính đồng bộ về phương án và tiến độ đầu tư đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương, Sở GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp UBND các tỉnh thống nhất phân kỳ giai đoạn đầu tư, phương thức đầu tư mỗi giai đoạn, quy mô, tổ chức điều phối chung các dự án thành phần trên địa bàn các tỉnh bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.
Cầu Phước An cũng đang được Bà Rịa - Vũng Tàu dồn lực triển khai. Cầu dài 4,3km bắc qua sông Thị Vải nối TX.Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Đây cũng là cây cầu lớn có ý nghĩa kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với khu vực Cái Mép - Thị Vải, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng hơn.
Dự án thể hiện đúng tinh thần “giao thông đi trước một bước”, khi hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa áp lực giao thông mà còn kết nối giúp Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế hơn để thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, qua đó phát huy thế mạnh từ kinh tế cảng biển.
Đại diện Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư) cho biết, hiện chủ đầu tư đang khẩn trương thực hiện các công việc liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, quyết tâm khởi công dự án cầu Phước An ngày 18/6/2023 cùng với việc khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án thành phần 3.
Đề xuất giải pháp huy động nguồn lực đầu tư
Theo Sở KH-ĐT, đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 17,3km đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải chạy dọc theo hệ thống cảng, các KCN nối với đường cao tốc liên vùng phía Nam và 4,5km tuyến đường vào KCN dầu khí Long Sơn. Đây là 2 tuyến đường vận tải công nghiệp cực kỳ quan trọng, kết nối vận chuyển hàng hóa từ khu vực cảng, các KCN của tỉnh với TP.Hồ Chí Minh và vùng Tây Nam bộ.
Tỉnh đang tiếp tục triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội. Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 có xét đến năm 2030 rất lớn, dự kiến 222.588 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 76.422 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh khoảng 29.904 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách khoảng 116.262 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng dự kiến khoảng 17.841 tỷ đồng, gồm: dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4 (đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu) và cầu Phước An.
Với nhu cầu nguồn vốn trên, ngày 15/3 vừa qua, Sở KH-ĐT đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định ban hành Chỉ thị về huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng, khu vực và thế giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp để khai thác quỹ đất tạo nguồn thu mới bổ sung cho ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông; thực hiện sắp xếp cơ sở nhà đất của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh để đấu giá các cơ sở nhà đất, tài sản công dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng tạo nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch đô thị theo đúng kế hoạch, bảo đảm công tác quy hoạch phải đi trước, xác định các không gian phát triển, bố trí quỹ đất mà Nhà nước có thể khai thác trong quy hoạch, tạo nguồn thu cho ngân sách. Tập trung hoàn thiện thủ tục, bảo đảm tiến độ đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án trọng điểm để tạo nguồn thu cho ngân sách. Triển khai xây dựng, phê duyệt đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đồng thời với quá trình triển khai đầu tư các tuyến đường trục chính, mở mới để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nghiên cứu đề xuất phương án hoàn vốn sau đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông của tỉnh theo phương thức đối tác công tư (PPP) sau khi có hướng dẫn thực hiện của Trung ương. Tiếp tục huy động sự đóng góp của DN được hưởng lợi từ các công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư theo chủ trương của tỉnh; khuyến khích DN tự bỏ vốn đầu tư các công trình hạ tầng mà trước mắt chỉ phục vụ trực tiếp cho dự án đầu tư của DN.
Trường hợp cần thiết để huy động kịp thời vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, nghiên cứu, xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trình Bộ Tài chính theo quy định. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương liên quan đẩy nhanh đầu tư, triển khai các dự án. Tiếp tục kiến nghị bộ, ngành bổ sung một số dự án giao thông quan trọng của tỉnh do Trung ương quản lý vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn để được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương./.