Thanh Hóa: Thi công tuyến đường bộ ven biển vẫn gặp khó khăn, vướng mắc

Thứ năm, 13/04/2023 08:05

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa xây dựng mới 23,723 km, quy mô cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng... khởi công xây dựng tháng 12/2021.

Các địa phương có dự án đi qua đã và đang tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đi đôi với đó, các nhà thầu tập trung nhân lực, xe, máy, vật tư để thi công dự án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thi công dự án tuyến đường bộ ven biển vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là cát đắp nền đường.

Thi công nền đường dự án đường giao thông ven biển qua huyện Nga Sơn

Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, đến hết tháng 3/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công 21,57 km/23,72 km, đạt 91% khối lượng công việc. Trong đó, huyện Nga Sơn bàn giao 6,94 km/7,12 km, huyện Hậu Lộc bàn giao 9,4 km/11,27 km, huyện Hoằng Hóa bàn giao 5,23 km/5,33 km; còn lại phần đất ở chưa GPMB dài 2,15 km, ảnh hưởng 86 hộ dân (Nga Sơn 0,18 km, với 10 hộ dân; Hậu Lộc 1,87 km, với 59 hộ dân; Hoằng Hóa 0,1 km, với 17 hộ dân). Đối với huyện Nga Sơn đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB và giao đất tái định cư cho 9 hộ; còn 1 hộ Hội đồng GPMB huyện đang hoàn thiện hồ sơ để chi trả tiền bồi thường GPMB. Bãi đổ thải tại xã Nga Tân diện tích 4,9 ha, huyện Nga Sơn đã bàn giao được 4,43 ha và phần diện tích còn lại đang xác minh nguồn gốc đất để thu hồi... 

Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp, tổng sản lượng thực hiện từ khi khởi công đến hết tháng 3-2023 đạt khoảng 527,5 tỷ đồng. Gói thầu số 5 (đoạn Km0+00-Km7+645) qua địa bàn huyện Nga Sơn sản lượng thực hiện từ đầu dự án đến hết tháng 3/2023 đạt khoảng 67,5 tỷ đồng. Trong đó, nhà thầu chính là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, đang triển khai 2 mũi thi công đắp cát hạt nhỏ tại các đoạn Km0+00-Km1+834 và Km1+887-Km4+670. Khối lượng hoàn thành đắp cát hạt nhỏ 1,64 km/6,8 km, đúc xong 500/901 đốt cống tròn và 68/78 cấu kiện cống hộp...

Kỹ sư Đặng Văn Nam, cán bộ Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, chỉ huy trưởng công trường, cho biết: Trong quá trình thi công dự án, tập đoàn gặp những khó khăn, vướng mắc, đó là chưa có bãi đổ đất thải, nguyên liệu là cát đắp nền đường hiện đang gặp khó khăn, tổng gói thầu cần khoảng 300.000 m3 cát đắp nền đường, nhưng từ đầu dự án đến nay mới đắp nền đường được 50.000 m3. Hiện giá cát tăng cao và khan hiếm không đáp ứng được kế hoạch thi công, tập đoàn đang tìm mua cát từ các tỉnh khác để bảo đảm tiến độ thực hiện gói thầu và mong muốn các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh Thanh Hóa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển cát đến chân công trình để thi công đắp nền đường... Ngoài ra, các nhà thầu phụ của gói thầu số 5 đang thi công cầu Mỹ Liên, cầu Lạch Sung.

Đối với gói thầu số 6 (đoạn Km7+645 - Km23+723) qua địa bàn 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa, tổng sản lượng thực hiện từ đầu dự án đến hết tháng 3-2023 đạt khoảng 465 tỷ đồng. Đối với nhà thầu chính là Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung đang triển khai 2 mũi thi công, 1 mũi cắm bấc thấm đoạn Km17+041 - Km17+720, 1 mũi đắp cát đoạn xử lý nền yếu Km19+186 - Km19+880, khối lượng hoàn thành 6,4 km/12,65 km đất đắp K95; 2,4 km/12,65 km đất đắp K98; 2,4 km/12,65 km móng cấp phối đá dăm loại II, 650 đốt/700 đốt cấu kiện bê tông cốt thép và lắp đặt xong 30 cống/76 cống thoát nước. Các nhà thầu phụ đang làm nền đường, thi công cầu Nam Khê, cầu Lạch Trường.

Trong đó, Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam thi công cầu Lạch Trường bờ phía huyện Hậu Lộc và khối lượng hoàn thành toàn bộ kết cấu phần dưới (90 cọc khoan nhồi, 1 mố, 12 trụ), đúc xong 49/55 phiến dầm Super T, lắp đặt xong 9/11 nhịp, xong bản mặt cầu 4/11 nhịp, xong phần đúc hẫng cân bằng từ khối K0-K9, khối đúc trên đà giáo, đang thi công bê tông cốt thép mặt cầu và đúc dầm Super T nhịp dẫn. Giá trị hoàn thành 158 tỷ đồng/248,07 tỷ đồng. Nhà thầu là Công ty CP xây dựng Trung Nam 18 E&C thi công cầu Lạch Trường bờ phía huyện Hoằng Hóa và khối lượng hoàn thành toàn bộ kết cấu phần dưới (90 cọc khoan nhồi, 1 mố, 17 trụ), đúc xong 47/80 phiến dầm Super T, lắp đặt xong 5 nhịp/16 nhịp dẫn, xong phần đúc hẫng cân bằng từ khối K0 - K9 và khối đúc trên đà giáo, đang thi công bê tông cốt thép mặt cầu và đúc dầm Super T nhịp dẫn. Giá trị hoàn thành 162,5 tỷ đồng/197,39 tỷ đồng. Hiện 2 nhà thầu này đang phấn đấu tháng 9-2023 thi công xong cầu Lạch Trường.

Cũng theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, vốn giao từ đầu dự án đến năm 2022 là 1.107,43 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương 7,43 tỷ đồng), giải ngân đến hết năm 2022 là 890,29 tỷ đồng/1.107,43 tỷ đồng. Vốn giao cho chủ đầu tư còn dư chưa giải ngân hết là 142,08 tỷ đồng và đã đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2023. Vốn giao năm 2023 là 298,269 tỷ đồng và tổng kế hoạch vốn giao của năm 2023 khoảng 440 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Đức Trọng, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, cho biết: Ban đề nghị các địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc về GPMB để sớm bàn giao mặt bằng còn lại cho nhà thầu thi công. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công, như đào, đắp nền đường, công trình thoát nước và nhất là các vị trí xử lý nền yếu có thời gian chờ lún dài. Trong quá trình thi công, các nhà thầu cắm đầy đủ các biển báo chỉ dẫn, biển báo hiệu, tuyệt đối không để xảy ra các tai nạn trong phạm vi công trường có những vị trí đào sâu, đắp cao, công trình xây dựng cầu, cống... Ban Quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cũng yêu cầu tư vấn giám sát dự án bố trí đủ nhân lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện trường để giám sát bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, an toàn lao động.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:174722
Lượt truy cập: 176.368.302