Thực hiện nội dung Văn bản số 4001/BGTVT-PC ngày 20/4/2023 của Bộ GTVT về việc thực hiện trả lời câu hỏi Chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” và “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải và Quyết định số 1127/QĐ-BGTVT ngày 22/6/2021 của Bộ GTVT, sau khi nghiên cứu Câu hỏi số 8 Phụ lục kèm theo Văn bản số 4001/BGTVT-PC ngày 20/4/2023, Cục Quản lý đầu tư xây dựng xin trả lời như sau:
Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 902/QĐ-BGTVT ngày 13/7/2022, trong đó có nội dung “Tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ”.
Quy định pháp luật hiện hành về tổ chức thực hiện xây dựng khu Tái định cư (TĐC) như sau:
- Điều 85, Luật đất đai số 45/2013/QH ngày 29/11/2013 quy định:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.”
- Điều 26, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định:
“1. Dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
2. Việc lập dự án tái định cư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư và phải bảo đảm các quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 69 của Luật Đất đai.
3. Khu tái định cư được lập cho một hoặc nhiều dự án; nhà ở, đất ở trong khu tái định cư được bố trí theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với các mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư.
4. Đối với dự án khu tái định cư tập trung có phân kỳ xây dựng theo các dự án thành phần thì tiến độ thu hồi đất và hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư được thực hiện theo tiến độ của từng dự án thành phần nhưng các công trình cơ sở hạ tầng của từng dự án thành phần trong khu tái định cư phải bảo đảm kết nối theo đúng quy hoạch chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.”
- Điều 29, Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định:
“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư thuộc diện nhà nước thu hồi đất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương”.
- Về kinh phí thực hiện xây dựng khu TĐC Điều 32, Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định:
“1. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm: Tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với đất thu hồi để thực hiện dự án đầu tư, chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các khoản chi phí khác. Việc xác định tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án được quy định như sau:
a) Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án đầu tư;
b) Bộ, ngành có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; chấp thuận, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng do Bộ, ngành thực hiện và các dự án do Bộ, ngành làm chủ đầu tư;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
d) Trường hợp chủ đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này.”
2. Về một số nội dung trong câu hỏi:
- Đối với nội dung “ Thẩm quyền UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện các dự án tái định cư gồm những gì, có gồm: thẩm quyền quyết định phê duyệt, điều chỉnh dự án tái định cư; ủy quyền phê duyệt dự án tải định cư;..”: Theo quy định tại Điều 66, Điều 85, Luật Đất đai số 45/2013/QH và Điều 29, Điều 32 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh dự án TĐC là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện theo phân cấp, giao nhiệm vụ của UBND tỉnh.
- Đối với nội dung “Cách thức tổ chức lập các dự án tái định cư: lập tổng thể các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh hay lập tổng thể các khu tái định cư nằm trong địa giới hành chính cấp huyện hay được lập cho từng khu tái định cư. Vì các khu tái định cư có thể triển khai vận hành độc lập”: Việc lập dự án các khu TĐC như nội dung câu hỏi không có quy định, yêu cầu cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, do đó UBND tỉnh, UBND huyện căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định phê duyệt dự án các khu TĐC phù hợp với yêu cầu của công tác GPMB, điều kiện thực tế của khu vực GPMB cần TĐC, phù hợp các quy định của pháp luật, của địa phương.
- Đối với nội dung “Nguồn vốn thực hiện dự án tái định cư có được xác định là nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý hay huyện quản lý”: Theo quy định tại Điều 29, Điều 32, Nghị định 47/2014/NĐ-CP, việc xây dựng các dự án TĐC phục vụ GPMB khi nhà nước thu hồi đất nằm trong tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND tỉnh tổ chức thực hiện (giao cho các tổ chức/ Hội đồng của địa phương làm Chủ đầu tư) bằng kinh phí của dự án, bố trí từ nguồn ngân sách, do đó việc quản lý, sử dụng chi phí là thẩm quyền của tổ chức/ Hội đồng của địa phương được giao là Chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.