Tàu cứu nạn an toàn – bớt nỗi lo khi điều động

Thứ ba, 30/05/2023 14:48

Những con tàu SAR vẫn hằng ngày vượt biển khơi, kịp thời tìm kiếm cứu nạn. Nhưng sau 20 năm sử dụng, hệ số an toàn của chúng ngày càng thấp.

Đội tàu cứu nạn "cao tuổi", nhỏ gây ra nhiều hạn chế

trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải Ảnh: VMRCC

Đội tàu cứu nạn "cao tuổi", nhỏ: Hạn chế trong tìm kiếm cứu nạn

Là con tàu thuộc đời đầu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN (VMRCC), tàu SAR 27-01 đến nay đã được 22 tuổi. Sở hữu chiều dài 27,2m với mớn nước 1,35m, con tàu được thiết kế cho tầm hoạt động 150 hải lý.

Tuy nhiên, theo đại diện VMRCC, trong các vụ việc tìm kiếm cứu nạn và quá trình huấn luyện, tàu đã phát sinh nhiều hạn chế.

Tới nay, tầm hoạt động tối đa thực tế chỉ được khoảng 100 hải lý. Khi tàu chạy chế độ hành trình trên biển ở mức 85% công suất máy trong điều kiện thời tiết biển cấp 3-4, chỉ đạt 8-9 hải lý/h, khả năng chịu sóng gió rất thấp.

Chưa kể, tàu được chế tạo có rất nhiều khiếm khuyết như phòng sinh hoạt chật hẹp. Buồng máy có 4 máy chính nên không gian chật chội, độ ồn lớn.

Đặc biệt, tàu có 3 hệ trục và 1 bánh lái khiến chi phí sửa chữa tăng cao. Giờ đây, tàu chỉ được sắp xếp điều động, trực chốt cứu nạn ở những khu vực gần bờ và nơi ít chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Không riêng tàu SAR 27-01, 7 chiếc trong đội tàu cứu nạn của VMRCC cũng chung số phận, hầu hết đều có độ tuổi từ 18-22 năm, thông số kỹ thuật suy giảm, kích thước tàu nhỏ.

Trong đó, SAR 412 thuộc loại tàu cứu nạn lớn nhất của VMRCC, được phân trực chốt tại Trung tâm khu vực II (Đà Nẵng) vì nơi đây có đặc thù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hay phải tham gia tìm kiếm cứu nạn xa bờ.

Con tàu được đóng năm 2005, có mớn nước khoảng 2,52m với tầm hoạt động theo thiết kế khoảng 250 hải lý.

Vẫn hoạt động tốt, nhưng tàu SAR 412 hay các tàu cùng loại như SAR 411, SAR 413 chỉ hoạt động được trong vùng sóng gió cấp 7-8 và sóng cao khoảng 3m.

Trong khi đó, đặc thù của việc tìm kiếm cứu nạn hàng hải là hay phải hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi, dài ngày trên biển.

Gắn bó với nghề cứu nạn khoảng 20 năm qua, Thuyền trưởng tàu SAR 412 Trần Quang Thanh nhớ lại, năm 2016 lực lượng cứu nạn của Trung tâm tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn vụ rơi máy bay Su-MK30 và CASA-212 rơi tại Vịnh Bắc bộ.

Chuyến tìm kiếm cứu nạn kéo dài gần 20 ngày, nhưng do tàu nhỏ, cứ 3-4 ngày, tàu lại phải về bờ để tiếp nhiên liệu, rồi tiếp tục chạy ra biển tìm kiếm. Điều này không chỉ làm tốn kém thời gian, lại vừa tốn nhiên liệu không cần thiết.

Không chỉ vậy, vì những hạn chế về sức chịu đựng sóng gió của tàu mà nhiều lần lực lượng cứu nạn phải xuôi ngược tìm chỗ cập bờ.

Khu vực II có vùng hoạt động lớn, bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đây là ngư trường lớn của ngư miền Trung, cũng là nơi hay xảy ra tai nạn nên tần suất các tàu cứu nạn phải đi thực hiện nhiệm vụ xa bờ không ít.

Tuy nhiên, không ít lần các tàu SAR được điều động từ Đà Nẵng ra khu vực này thực hiện nhiệm vụ nhưng sau đó không thể về lại Đà Nẵng.

“Khi ra khu vực, sóng to gió lớn nhưng xuôi chiều tàu nên tàu hành trình không có vấn đề. Lúc trở lại, do tàu bé và sóng to nên không thể quay ngược lại Đà Nẵng. Nếu cố gắng đi rất nguy hiểm, thuyền trưởng bắt buộc phải đưa tàu xuôi sóng về Quy Nhơn, Nha Trang.

Thậm chí có trường hợp, phải tới Vũng Tàu, tàu mới cập cảng được”, anh Thanh chia sẻ.

Tàu càng già, hệ số an toàn càng thấp

VMRCC hiện phải chịu trách nhiệm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn
với 3.260km chiều dài bờ biển, vùng biển rộng trên 1 triệu km2

Lãnh đạo VMRCC thông tin, Trung tâm hiện phải chịu trách nhiệm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn với 3.260km chiều dài bờ biển, vùng biển rộng trên 1 triệu km2.

Tuy nhiên, các tàu tìm kiếm, cứu nạn chuyên dụng hiện tại được trang bị chỉ hoạt động được ở mức sóng cấp 8 trở xuống. Cộng thêm việc các tàu đã cũ trên 15 tuổi, nên với các vụ việc tìm kiếm, cứu nạn tại các khu vực xa hoặc trong điều kiện bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa mạnh, việc thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn.

Như tàu SAR 412, tuy vẫn duy trì được tầm hoạt động tối đa và tốc độ hoạt động khi hành trình trên biển như thiết kế của nhà sản xuất, nhưng theo thuyền trưởng Trần Quang Thanh, do tàu đã đóng lâu năm nên nhiều thiết bị, phụ tùng đã cũ. Không ít lần máy móc hỏng hóc, đội ngũ kỹ sư máy vừa sửa xong chỗ này, chỗ khác lại trục trặc. “Tàu vẫn hoạt động bình thường và đăng kiểm vẫn tốt nhưng thiết bị cũ, có thể trục trặc bất cứ lúc nào không thể lường trước. Điều đó uy hiếp sự an toàn trong quá trình hoạt động tìm kiếm cứu nạn”, thuyền trưởng Thanh chia sẻ.

Ông Hồ Xuân Phong, Phó phòng Phối hợp cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II thông tin, thực tế công tác tìm kiếm cứu nạn thường gấp gáp và liên quan tới tài sản, tính mạng con người nên trong một số trường hợp, các thuyền trưởng sẽ là người đánh giá tình huống. Khi đó, thậm chí vượt cấp sóng gió mà tàu chịu được, tàu cũng vẫn đi cứu nạn, bất chấp nguy hiểm.

“Tàu càng già, hệ số an toàn càng thấp nên nhiều khi điều động tàu đi cứu nạn xa bờ, lực lượng ở nhà cũng lo ngay ngáy”, ông Phong nói và cho biết thêm, hệ thống neo của tàu cứu nạn hiện nay cũng rất yếu, không chắc chắn như tàu hàng nên vào những mùa mưa bão, các tàu được cử đi trực chốt phòng chống bão cũng phải lên kế hoạch, khảo sát kỹ càng.

Các khu vực nào đảm bảo yếu tố an toàn nhất, lực lượng cứu nạn mới dám điều tàu đến. “Nếu có những con tàu mới to, hiện đại hơn, công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ bớt vất vả và anh em cũng bớt lo lắng hơn”, ông Phong chia sẻ.

VMRCC hiện sở hữu 7 tàu cứu nạn (3 tàu có chiều dài 41m, tầm hoạt động 250 hải lý; 4 tàu tầm hoạt động 150 hải lý) đóng từ đầu những năm 2000, được phân bổ khắp cả nước.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm VN, các tàu biển/tàu cứu nạn không có niên hạn trong đăng kiểm. Trong tình huống các tàu được bảo dưỡng tốt, dù lâu năm vẫn có thể hoạt động bình thường. Trường hợp các tàu đóng quá lâu, bị xuống cấp, các chủ tàu/chủ sở hữu tàu sẽ đóng tàu mới để khai thác hiệu quả hơn.

Hiện nay, Cục Hàng hải VN đã triển khai dự án đóng mới tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ có tổng mức đầu tư khoảng 423 tỷ đồng, dự kiến sẽ bàn giao sau 18 tháng thi công, đưa vào khai thác từ năm 2024. Tàu cứu nạn được đóng mới do Công ty TNHH MTV 189 đảm nhận thi công.

Tàu có chiều dài toàn phần 63,8m, chiều rộng 10,2m, tổng dung tích 958GT, trọng tải toàn phần 395 DWT, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, tầm hoạt động phạm vi hơn 3.000 hải lý.

Tàu đóng mới sẽ được trang bị cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, chỉ huy hiện trường trong những vụ việc phức tạp.

Công Đức

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:149622
Lượt truy cập: 176.624.779