Ngày 19/6, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, vừa phối hợp Chi đoàn Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Chi đoàn Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cảng Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị liên quan thăm hỏi các thuyền viên nhân dịp “Hưởng ứng Ngày Thuyền viên thế giới năm 2023” từ ngày 9-25/6/2023.
Chương trình nhằm tôn vinh những đóng góp, cống hiến lớn lao của thuyền viên đối với ngành hàng hải.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan thăm hỏi,
động viên thuyền viên tàu SAR 412 và SAR 274
Theo đó, đoàn đến thăm hỏi, động viên các thuyên viên tàu cứu nạn SAR 412, tàu SAR 274 (thuộc DANANG MRCC), Cano CN01, Cano CN03 , tàu Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng 01, tàu Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng 02, tàu Nasico Sky, tàu Phương Nam 46.
Tại buổi gặp gỡ, các thuyền viên đã có những tâm sự, chia sẻ về nghề đi biển và cuộc sống thường ngày trên tàu để hiểu rõ hơn về những khó khăn trong quá trình đi biển, những thiếu thốn, hiểm nguy mà các thuyền viên phải đối mặt và vượt qua trong những hành trình dài ngày trên biển.
Dịp này, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cục Hàng hải Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị cũng kết hợp tuyên truyền, phát tờ rơi nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của thuyền viên trong việc quản lý sổ thuyền viên (việc ghi chép, khai báo thời gian lên xuống tàu,...) tại Thông tư số 23/2017/TT-BGTVT ngày 28/7/2017 của Bộ GTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.
Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng đã kêu gọi các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải tại khu vực cảng biển Đà Nẵng cũng quan tâm hơn nữa đến những người làm nghề đi biển - những thuyền viên, đề xuất tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm tôn vinh, tri ân những đóng góp, cống hiến cho xã hội nói chung và ngành hàng hải nói riêng để đội ngũ thuyền viên luôn an tâm, vững vàng trong mọi hoàn cảnh.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Mai Chí Thành - Bí thư Đoàn TNCS hồ Chí Minh Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, số lượng thuyền viên của Việt Nam hiện lên đến gần 50.000 người, đang hoạt động trên gần 1.400 tàu vận tải biển.
Theo ông Thành, các con tàu lớn do chính thuyền viên Việt Nam điều khiển đã vươn tới hầu hết các châu lục trên trái đất phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.
“Thuyền viên là nghề vất vả, tối ngày đối mặt với biển, cuộc sống của họ bấp bênh theo đúng nghĩa đen, tròng trành theo những cơn sóng. Đã thế, rủi ro lúc nào cũng có thể xảy ra và giữa đại dương mênh mông, mức độ trở tay không kịp càng cao nếu có rủi ro ập đến”, ông Thành chia sẻ.
Theo Bí thư Đoàn TNCS hồ Chí Minh Cục Hàng hải Việt Nam, có những chuyến đi biển dài cả tháng hay các chuyến đi nối tiếp hàng năm, họ phải chấp nhận sống tách biệt với gia đình cả năm trời. Khái niệm nghỉ lễ, Tết không bao giờ có trong “từ điển” của các thuyền viên.
“Nếu nhân tài là nguyên khí quốc gia thì thuyền viên lành nghề là nguyên khí của sự phát triển ngành vận tải biển, là lực lượng hậu bị hùng mạnh bảo vệ biển đảo của tổ quốc, họ phải được đầu tư phát triển và nhân phẩm của họ đáng được tôn trọng”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Mai Chí Thành - Bí thư Đoàn TNCS hồ Chí Minh Cục Hàng hải Việt Nam, có rất nhiều tấm gương thuyền viên Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Điển hình trong đó là thuyền viên Trần Văn Khôi, đoàn viên thanh niên thuộc Chi Đoàn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực II, được Hội đồng IMO bình chọn trong phiên họp lần thứ 125 nhận “Giải thưởng Hành động dũng cảm trên biển”.
Anh Khôi vinh dự được IMO trao giải thưởng vì đã dũng cảm cứu được 4 người trong vụ tàu hàng VIETSHIP 01 bị chìm tháng 10/2020 trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên IMO vinh danh một thuyền viên của Việt Nam vì có hành động dũng cảm khi cứu nhiều người trên biển.