An Giang: Ngành GTVT phát huy đoàn kết, sáng tạo

Thứ sáu, 21/07/2023 14:40

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở Giao thông vận tải (GTVT) An Giang tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 2605/QĐ-UBND, ngày 8/11/2021 quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các dự án giao thông trên địa bàn.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, ngành GTVT đã tích cực tham mưu UBND tỉnh đầu tư 15 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đã triển khai 15 công trình, như: Dự án nâng cấp tuyến đường qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang, Tỉnh lộ 945); dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 941; tuyến đường Long Điền A - B (huyện Chợ Mới); mở rộng tuyến đường vòng 3 xã cù lao Giêng (huyện Chợ Mới)…

Đặc biệt là tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn: Xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang dài 57,2km; xây dựng cầu Châu Đốc (chuyển từ Bộ GTVT về tỉnh An Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư và chuyển từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công từ ngân sách Trung ương)…

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phú Tân cho biết, ngành còn tranh thủ nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương để thực hiện duy tu sửa chữa tuyến đường N1, Quốc lộ 91C, 16km Quốc lộ 91 (đoạn qua TP. Long Xuyên) và hoàn thành nâng tải trọng cầu Hoàng Diệu và cầu Nguyễn Trung Trực (TP. Long Xuyên) trên Quốc lộ 91 đi qua tỉnh An Giang.

Đồng thời, Bộ GTVT thống nhất chủ trương chuyển các tuyến Tỉnh lộ 848 (tỉnh Đồng Tháp); Tỉnh lộ 942, Tỉnh lộ 954, Tỉnh lộ 952 lên Quốc lộ 80B. Sở GTVT tỉnh An Giang và Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp Cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành thủ tục điều chuyển tài sản theo quy định.

Trong điều kiện vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn, kinh phí bố trí cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhưng Sở GTVT tranh thủ nhiều nguồn lực khác nhau (trong đó có xã hội hóa) để thực hiện duy tu, sửa chữa kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt. Từng bước hoàn thiện và đồng bộ về mặt tải trọng giữa cầu với đường.

Từ năm 2021 - 2023, Sở GTVT An Giang đã tổ chức sửa chữa 60 danh mục công trình (thuộc 3 tuyến Quốc lộ và 19 Tỉnh lộ) với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT phối hợp các huyện thực hiện đầu tư xây dựng một số tuyến tỉnh lộ theo hình thức xã hội hóa (Sở GTVT hỗ trợ vật tư kỹ thuật, các huyện huy động nhân dân đóng góp ngày công và thiết bị thi công, với tổng chiều dài thực hiện trên 24km, kinh phí trên 36 tỷ đồng).

Đối với công tác bảo trì, nạo vét luồng đường thủy, ngành cũng đã hoàn thành các dự án nạo vét thông luồng sông Cái Vừng (huyện Phú Tân), luồng xép Khánh Hòa và đoạn đầu cồn huyện Châu Phú. Hiện, đang thực hiện thông luồng sông Hậu, đoạn cồn Cóc - bến đò Phước Hưng (huyện An Phú)…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay đã có 82/116 xã (tỷ lệ 70,6%) đạt tiêu chí về giao thông. Dự kiến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,1%) và 29 xã nông thôn mới nâng cao. TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn là 3 đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp huyện.

Thực hiện Đề án 426/ĐA-UBND của tỉnh về xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành và vượt 581/481 cầu, đang tiếp tục giai đoạn 2 (năm 2021 - 2025). Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành ít nhất 160 cầu giao thông nông thôn, tổng kinh phí dự kiến 405 tỷ đồng. Từ năm 2021 - 2022, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 102/79 cầu (vượt 23 cầu), với nguồn lực huy động 129 tỷ đồng.

Bên cạnh, Sở GTVT còn làm tốt công tác thẩm định các công trình giao thông theo thẩm quyền; đã thẩm định 228 hồ sơ, trình UBND tỉnh phê duyệt 30/32 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đã giảm trừ theo tiêu chuẩn, định mức… tiết kiệm ngân sách nhà nước 339 tỷ đồng…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ từ nay đến năm 2025, Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở GTVT đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm, cụ thể và rút ra nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Đó là tăng cường đoàn kết, thống nhất từ trong chi, đảng bộ; kế thừa và phát huy những mặt tích cực, nhất là việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, làm tốt công tác tham mưu, chủ động phối hợp tốt với các ngành liên quan… để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Nguồn: Báo An Giang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:124787
Lượt truy cập: 175.951.208