Thái Bình: Tăng cường kiểm tra, rà soát các bến thủy nội địa

Thứ hai, 31/07/2023 14:22

Những năm qua, tình trạng khai thác, kinh doanh bến thủy nội địa không có giấy phép hoạt động, khai thác quá thời hạn cho phép diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, trong đó có Thái Bình, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (ATGT), tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của bến đò
và phương tiện chở khách ngang sông.

Trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài hơn 260km, 8 tuyến sông địa phương với tổng chiều dài gần 137km. Hệ thống các cảng thủy, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông tập trung chủ yếu trên tuyến đường thủy nội địa, lợi dụng địa hình tự nhiên ven các tuyến sông lớn. Việc phân bố đa dạng của các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh tạo ra nhiều cơ hội để phát triển mạnh về giao thông vận tải, góp phần kéo giảm áp lực cho hoạt động vận tải đường bộ.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về quản lý hoạt động đường thủy nội địa tại các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lực lượng liên ngành gồm: Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tại Thái Bình. Trong tháng 6/2023, lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, các bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng; điều kiện an toàn của các thiết bị, công trình trong khu vực cảng, bến; kiểm tra điều kiện hoạt động, hóa đơn, chứng từ hàng hóa của phương tiện vận chuyển hoạt động trong khu vực cảng, bến thủy nội địa; kiểm tra trật tự an toàn tại khu vực cảng, bến thủy nội địa tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Ngoài ra, lực lượng liên ngành còn tuần tra kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với chủ phương tiện thủy, người điều khiển phương tiện vi phạm điều kiện an toàn theo quy định, đặc biệt là xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải trọng cho phép, không chấp hành quy định về báo hiệu đường thủy và quy tắc giao thông, không đăng ký, đăng kiểm; người lái phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Bà Phạm Hải Yến, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải cho biết: Đối với các hành vi vi phạm, lực lượng chức năng nghiêm túc xử lý theo thẩm quyền, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nắm bắt các quy định về điều kiện hoạt động và quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa. Bên cạnh đó, xây dựng phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện trong công tác quản lý nhà nước đối với từng bến thủy hoặc từng địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. 

Theo đó, trong gần 1 tháng triển khai, kết quả kiểm tra 78 bến hàng hóa chỉ có 15 bến còn hạn hoạt động, 41 bến được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cấp giấy phép hoạt động nhưng hết thời hạn hoạt động, 22 bến chưa được cấp phép. Kiểm tra 76 bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, trong đó 60 bến trên các tuyến sông do Cục Đường thủy nội địa quản lý, 16 bến trên các sông nội đồng. Nhìn chung các bến khách ngang sông trên các tuyến sông trung ương quản lý đều chấp hành các quy định về vận tải hành khách song nhiều bến rất vắng khách do hệ thống giao thông đường bộ phát triển; các bến sông nội đồng chủ yếu phục vụ người lao động, nhiều bến dùng tời kéo, chèo tay nên rất dễ phát sinh mất ATGT.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, tình hình trật tự, ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực hơn, ý thức chấp hành pháp luật giao thông vận tải đường thủy nội địa của người tham gia giao thông từng bước được nâng lên. Không có trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động đường thủy nội địa tại các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng các thiết bị xếp, dỡ tại bến; giấy chứng nhận kiểm định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hết hiệu lực; người điều khiển phương tiện không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn không phù hợp với loại phương tiện, thiết bị đang điều khiển vẫn còn xảy ra, chưa được khắc phục kịp thời. 

Ông Nguyễn Văn Dinh, cán bộ Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tại Thái Bình cho biết: Các bến thủy nội địa chưa được cấp phép chủ yếu do gặp khó khăn trong việc làm thủ tục xin cấp giấy phép mở bến có nguyên nhân chính là chưa làm được thủ tục thuê đất theo quy định hiện hành và một số bến bãi không thuộc trong quy hoạch bến bãi trung chuyển, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa phát triển mạnh, địa bàn trải rộng trên toàn tỉnh, trong khi biên chế của cơ quan chuyên trách quản lý còn hạn chế, việc kiểm tra, xử lý các hoạt động về giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn đôi lúc chưa kịp thời. Đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo lực lượng liên ngành tiếp tục kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa, các hành vi vi phạm xảy ra tại cảng, bến thủy do địa phương quản lý theo thẩm quyền; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo và yêu cầu thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện thủy nội địa không vào các cảng, bến thủy nội địa không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoạt động để neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón trả khách...

Nguồn: Báo Thái Bình

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:105943
Lượt truy cập: 175.902.573