Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Vũ Hải, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), Cục Hàng hải Việt Nam, các Trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu, đơn vị thiết kế, các cơ sở chế tạo, đóng mới hoạt động sửa chữa tàu biển, các cơ sở cung cấp dịch vụ…
Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng cho biết thời gian qua, lĩnh vực đăng kiểm có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và mục tiêu lớn nhất khi xây dựng các thông tư là đơn giản nhất các thủ tục cho các doanh nghiệp và ứng dụng tối đa công nghệ vào quản lý.
Trước khi sửa đổi, bổ sung thông tư quy định về đăng kiểm tàu biển, Bộ GTVT ban hành các thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về đăng kiểm trong lĩnh vực phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa… Riêng lĩnh vực hàng hải được coi là lĩnh vực hết sức quan trọng, đặc thù, có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động trong nước và nước ngoài. Các văn bản quy định, các Thông tư sửa đổi về đăng kiểm trong lĩnh vực hàng hải đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành từ tháng 30/6/2023. Hôm nay, Cục ĐKVN tổ chức hội nghị nhằm tạo nhận thức chung, thống nhất trong thực hiện các quy định mới cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, đại diện Phòng Tàu biển, Cục ĐKVN đã giới thiệu các nội dung lớn của Thông tư số 17/2023 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016 quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam và Thông tư số 51/2017 quy định về đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm tàu biển, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023).
Đại diện Phòng Tàu biển, Cục ĐKVN giới thiệu về nội dung Thông tư số 17/2023
Theo đó, Thông tư số 17/2023 bổ sung quy định hình thức kiểm định, đánh giá trực tuyến an toàn, an ninh tàu với phương pháp đăng kiểm viên không có mặt trên tàu và sử dụng công nghệ thông tin hoặc phương pháp khác để xác định điều kiện kỹ thuật của tàu biển trong thực tế.
Hình thức kiểm định trực tuyến để kéo dài thời hạn giấy chứng nhận đăng kiểm áp dụng trong các trường hợp: hạn chế tiếp cận tàu biển vì lý do dịch bệnh, thiên tai, xung đột vũ trang; cơ sở sửa chữa không thể bố trí tiếp nhận tàu biển; tàu biển thực sự không có điều kiện đến nơi được chỉ định để kiểm định, tổ chức đăng kiểm thực hiện kiểm định...
Công việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định tàu biển được phân cấp, chuyển từ Cục Đăng kiểm VN về các Chi cục Đăng kiểm. Từ thời điểm trên, Chi cục Đăng kiểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả đăng kiểm tàu biển qua hình thức nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác.
Đề cập Thông tư số 17/2023, Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Vũ Hải cho biết, thông tư được soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Đăng kiểm VN và các Vụ, viện nghiên cứu của Bộ GTVT và các quy định mới tại thông tư là cuộc cách mạng trong lĩnh vực đăng kiểm tàu biển.
Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Vũ Hải phát biểu tại Hội nghị
Thông tư số 17/2023 của Bộ GTVT có 6 nội dung mới nổi bật, đó là: Áp dụng công nghệ để kiểm định trực tuyến, từ xa; kiểm định trực tiếp hoặc từ xa để kéo dài thời hạn giấy chứng nhận tàu biển trong một số trường hợp; phân cấp toàn bộ việc kiểm tra, đánh giá tàu biển cho các Chi cục Đăng kiểm, đơn vị thuộc Cục; áp dụng công nghệ 4.0 để giải quyết thủ tục đăng kiểm trên cổng điện tử.
Giao quyền cho các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn của công ty tàu biển (trước chỉ do đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm VN cấp) và cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục nội bộ đánh giá đăng kiểm viên (bỏ quy định đánh giá, cấp chứng nhận đăng kiểm viên hàng năm)…
Phó Cục trưởng khẳng định các nội dung mới này là kết quả của quá trình nghiên cứu và thực sự là cuộc cách mạng về đăng kiểm tàu biển.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng được giới thiệu các nội dung mới của Thông tư số 21/2023 của Bộ GTVT ngày 30/6/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2011 quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong GTVT có hiệu lực từ 15/9/2023.
Hội nghị cũng nghe Báo cáo tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC năm 2022 và 6 tháng năm 2023 và các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ PSC.
Bên cạnh đó, Đăng kiển viên Phòng Tàu biển cũng phổ biến các quy định mới của quốc gia và quốc tế về an toàn hàng hải và ngăn ngừa ô nhiễm biển.
Hội nghị cũng đã nghe các doanh nghiệp vận tải, đóng mới, sửa chữa tàu biển cùng đối thoại với các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển./.
KC