Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đã khắc phục nhanh sạt lở
do ảnh hưởng của bão số 4 năm 2022, sớm thông tuyến Quốc lộ 14D.
Lo trước một bước
Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết ngày càng phức tạp, ngay từ đầu mỗi năm, Sở GTVT đã bám sát các kế hoạch, mục tiêu đặt ra để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý, bảo trì triển khai duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông trên bộ lẫn đường thủy.
Trước mùa mưa bão, lãnh đạo ngành liên tục kiểm tra hạng mục đang thi công dở dang, những đoạn tuyến trọng yếu dễ bị “tổn thương” bởi mưa lũ dẫn đến sạt lở, cắt đường nhằm đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, chấn chỉnh về sự chuẩn bị của đơn vị quản lý trong ứng phó nếu sự cố xảy ra.
Theo ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT, việc làm này là cần thiết nhằm chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai để đảm bảo lưu thông an toàn; giao thương hàng hóa, cứu hộ cứu nạn thuận lợi. Ngành cũng luôn tư thế sẵn sàng hỗ trợ khi hạ tầng giao thông do các địa phương quản lý bị “tê liệt”.
Điển hình như trong mùa mưu bão trước, từ đầu tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện những đợt mưa lớn, kéo dài gây thiệt hại đáng kể đến kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong đó có vụ việc sạt lở mố đường dẫn phía Tây cầu Suối Mơ tại lý trình Km45+779 của Quốc lộ 14B (địa phận Đại Lộc); sạt lở gây tắc đường và công trình thoát nước tại nhiều vị trí trên tuyến Quốc lộ 14D (Nam Giang).
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Sở GTVT, việc tổ chức huy động lực lượng và phương tiện được triển khai nghiêm túc theo phương châm “4 tại chỗ”.
Lực lượng thanh tra giao thông, đơn vị bảo trì phối hợp với cảnh sát giao thông đặt biển cảnh báo, căng dây, cắm cọc để điều tiết lưu thông an toàn khu vực ngập lụt, sạt lở.
Khi Quảng Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, việc dọn dẹp các chướng ngại vật gây cản giao thông, hệ thống thoát nước sau khi bão tan được triển khai ngay. Lực lượng thanh tra viên của Thanh tra Sở GTVT trên đường đi làm nhiệm vụ, nếu gặp cây cối ngã đỗ chắn ngang liền tiến hành cưa cắt, dọn dẹp chứ không trông chờ vào địa phương, hay đơn vị quản lý tuyến.
Ông Văn Anh Tuấn chia sẻ, ngành còn chỉ đạo rà soát các điểm hư hỏng nặng, lập phương án sửa chữa, bảo đảm giao thông bước 1; đề xuất các hạng mục sửa chữa, bảo đảm giao thông bước 2. Cho nên, tình hình lưu thông sau ngày mưa bão nhanh chóng ổn định, không để ách tắc kéo dài so với quy định.
Nhiều việc phải lo
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT nhìn nhận, công tác PCTT&TKCN còn một số hạn chế cần được đánh giá kỹ, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục để làm tốt trong thời gian tới.
Ngoài yếu tố chủ quan, ngành chức năng thẳng thắn chỉ ra vướng mắc liên quan đến quy định hiện hành. Điển hình như tại khoản 9, Điều 1 Thông tư số 43 ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT ghi rõ, các hạng mục thi công khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 được thực hiện ngay sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp, lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
Tuy nhiên, thời gian chờ cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp thiên tai và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp thực tế lại kéo dài khoảng 15 - 20 ngày hoặc hơn.
Một doanh nghiệp quản lý đường bộ chia sẻ, để chuẩn bị trước mùa mưa bão và thi công khắc phục hậu quả thiên tai, các đơn vị phải tự bỏ kinh phí (có nguồn vay ngân hàng) nhằm mua sắm trang thiết bị, vật tư, vật liệu…
Ngược lại, các công trình khẩn cấp có kinh phí lớn, quá trình thi công hoàn thành kéo dài do ảnh hưởng của thời tiết, rồi đợi thêm một khoảng thời gian lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ hoàn thành và thanh toán.
Chính vì vậy, các đơn vị nợ ngân hàng kéo dài, lãi vay cao, khó khăn về tài chính để duy trì triển khai thi công, sớm hoàn thành các công trình. Chưa kể, nguồn vật liệu khan hiếm, giá cả vật liệu và nhân công tăng cao làm ảnh hưởng lớn chi phí xây dựng, tiến độ thực hiện.
Ông Văn Anh Tuấn cho biết, việc khắc phục sự cố sạt lở do bão lụt để thông xe, đảm bảo an toàn giao thông luôn tiến hành giữa điều kiện thời tiết bất lợi, địa hình khó khăn.
Khối lượng sụt lở dọc theo tuyến đường, ở nhiều vị trí nhỏ lẻ, sụt trượt nhiều lần, đơn vị quản lý phải thường xuyên di chuyển khắc phục hậu quả với thời gian nhanh nhất; chỉnh sửa mái ta luy, dọn dẹp bùn đất trên nền mặt đường và phải luôn đảm bảo các yếu tố an toàn, vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, định mức cho đào hốt đất, đá sụt lở trong khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên đường bộ chưa được ban hành. Do vậy, các đơn vị phải vận dụng định mức SF.11100 (đào hốt đất, đá sụt bằng nhân công và máy ủi) theo Thông tư số 12 ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng để lập dự toán, điều này dẫn đến đơn giá rất thấp và không phù hợp với thực tế.
Nhằm thống nhất, phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong PCTT theo quy định của pháp luật cũng như đáp ứng công việc khi không có mưa bão song vẫn xảy ra sạt lở trên tuyến, Sở GTVT đã kiến nghị Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam thẩm quyền quyết định và công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ.
Về nguồn lực thực hiện, cấp có thẩm quyền cần bố trí nguồn kinh phí dự phòng hằng năm để kịp thời tạm ứng trước cho các đơn vị chủ động triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả.
Thực tế vận dụng định mức đào hót đất, đá sụt lở như hiện nay, ngành sẽ rất khó huy động các đơn vị tham gia, do họ thu không đủ bù chi. Vì lẽ đó, cấp thẩm quyền cần hướng dẫn áp dụng định mức bằng tổ hợp máy đào kết hợp với máy ủi và nhân công trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên hệ thống đường bộ.