Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau:
“Khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy định về tước Giấy phép lái xe có thời hạn sử dụng còn lại ít hơn thời hạn tước giấy phép theo quy định:
- Tại điểm c, Khoản 2, Điều 9 của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định: “Trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó”.
Tại khoản 5, Điều 81, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ) quy định: “Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Như vậy trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng theo quy định; nếu áp dụng theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ thì chỉ áp dụng thời hạn tước bằng với thời hạn còn lại của giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề; nếu áp dụng theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì thời hạn tước sẽ lớn hơn và vượt quá thời hạn còn lại của giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề. Quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ là chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc triển khai thi hành của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương.”
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm, góp ý đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “1. Việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”; tại khoản 3 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: “3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng theo quy định sẽ được áp dụng theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ. Về lâu dài, Bộ GTVT ghi nhận nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri và giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cử tri để đề xuất nội dung quy định đảm bảo tính thống nhất trong khi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./