Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cùng các đồng chí Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam: Nguyễn Mạnh Thắng và Phan Thị Thu Hiền tham dự buổi lễ.
Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta đã và đang triển khai thi công theo đúng tinh thần của Đại hội Đảng để đến năm 2025 nước ta sẽ có khoảng 3.000 km và đến năm 2030 sẽ có 5.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2050 đạt 9.014 km với 41 tuyến cao tốc.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến nhân lực quản lý vận hành đường cao tốc, trong thời gian tới Cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì một khối lượng lớn các tuyến cao tốc và hơn 25.000 km quốc lộ; yêu cầu về công tác quản lý, khai thác khác biệt so với những công trình đường bộ thông thường; để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc thì trung bình cần khoảng 02 công nhân kỹ thuật/1km đường; do đó, đến năm 2025 cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành đường cao tốc, đến năm 20230 cần 10.000 công nhân.
Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, Đảng ủy và Tập thể lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng, ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện về tăng cường các giải pháp để đảm bảo chất lượng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; trong đó, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo trì chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng, được ưu tiên thực hiện.
Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những nỗ lực
của Ban Giám hiệu, giáo viên Trường Cao đẳng GTVT đường bộ và Tập đoàn Đèo Cả
Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Khóa 1 về quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc ngày hôm nay là một dấu mốc quan trọng, là tiền đề cho việc chủ động đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo trì chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo trì.
Cục trưởng đánh giá cao những nỗ lực của Ban Giám hiệu, giáo viên Trường Cao đẳng GTVT đường bộ đã xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị các nội dung để tổ chức khai giảng Lớp đào tạo nghề quản lý, bảo trì, vận hành và khai thác đường bộ cao tốc ngày hôm nay.
Cục trưởng cũng đánh giá cao Tập đoàn Đèo Cả đã có những chiến lược rất bài bản để chủ động nguồn nhân lực cho một lĩnh vực gắn liền với định hướng hoạt động của Tập đoàn, thông qua việc ký kết các chương trình hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực với các trường đại học, cao đẳng.
Cục trưởng đề nghị Trường Cao đẳng GTVT đường bộ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chương trình, giáo trình theo hướng cập nhật đầy đủ các quy định mới; chú trọng tăng cường công tác thực hành, quán triệt và tuân thủ quy trình tác nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Đèo Cả và các cơ quan liên quan đảm bảo đầy đủ trang thiết bị giảng dạy, điều kiện thực hành... để thực hiện tốt nhất chất lượng đào tạo theo mục tiêu, chương trình đã đặt ra. Có kiểm tra, sát hạch để cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học theo quy định.
Cục trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Đèo Cả, các đơn vị đang thực hiện quản lý bảo trì đường bộ và các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Trường Cao đẳng GTVT đường bộ và với Cục Đường bộ Việt Nam trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo trì chất lượng cao nói riêng và công tác quản lý bảo trì đường bộ nói chung, để nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia.
ThS. Nguyễn Đức Phú, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ GTVT đường bộ phát biểu tại buổi lễ
ThS. Nguyễn Đức Phú, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng GTVT đường bộ cho biết, Trường Cao đẳng GTVT đường bộ trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam. Tiền thân là Trường Lái xe Hòa Bình được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT (4/1962).
Trường có chức năng đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, nghề đáp ứng cấu của thị trường lao động; nghiên cứu ứng dụng, tư vấn, chuyển giao KHCN; cung cấp nguồn nhân lực cho ngành đường bộ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành GTVT, Thành phố Hà Nội, tỉnh Hải Dương và các địa phương lân cận.
Về Chương trình đào tạo nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc với 05 chuyên đề, đào tạo trong thời gian 01 tháng, mục tiêu nhằm đào tạo về kiến thức, kỹ năng và thái độ trong nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc. Sau khi tốt nghiệp, học viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc.
Xuân Nguyên