Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau:
“Đề nghị trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ bao gồm một số điều, khoản còn vướng mắc trong thực tiễn như: Quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với công trình cầu cạn thuộc phạm vi ngoài đô thị (Điều 16); cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để giải phóng mặt bằng hạng mục đường gom; cho phép đấu nối tạm thời vào Quốc lộ hoặc đấu nối tạm thời vào đường nhánh gần nhất (hiện có) cho đến khi có điều kiện xây dựng được đường gom theo quy định hiện hành (Điều 26); xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với khu vực đã được quy hoạch đô thị (Điều 15) không trùng khớp với phạm vi hành lang được xác định theo mốc lộ giới được xác định theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt của các địa phương theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng; nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giải phóng mặt bằng, thu hồi hết đối với phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường bộ không được xây dựng lại nhà ở mới (Điều 44).”
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT trả lời như sau:
Đối với việc “Quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với công trình cầu cạn thuộc phạm vi ngoài đô thị (Điều 16, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ)”:
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án Luật Đường bộ sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Đối với các nội dung cử tri kiến nghị bổ sung quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với công trình cầu cạn thuộc phạm vi ngoài đô thị (Điều 16, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ), Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến. Sau khi Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ.
Về nội dung: “Cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để GPMB hạng mục đường gom; cho phép đấu nối tạm thời vào Quốc lộ hoặc đấu nối tạm thời vào đường nhánh gần nhất (hiện có) cho đến khi có điều kiện xây dựng được đường gom theo quy định hiện hành (Điều 26)”: Nội dung cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để giải phóng mặt bằng hạng mục đường gom cũng như các nội dung liên quan đến hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đất đai, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật giao thông đường bộ, do đó, Bộ GTVT không có cơ sở để tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2010/NĐ-CP về nội dung này như kiến nghị của cử tri.
Về nội dung:“Cho phép đấu nối tạm thời vào Quốc lộ hoặc đấu nối tạm thời vào đường nhánh gần nhất (hiện có) cho đến khi có điều kiện xây dựng được đường gom theo quy định hiện hành”:
a. Đối với nội dung kiến nghị cho phép đấu nối tạm thời vào Quốc lộ: Nội dung đấu nối tạm thời có thời hạn vào quốc lộ đang khai thác đã được quy định tại Điều 28 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/09/2015 của Bộ GTVT.
b. Đối với nội dung kiến nghị đấu nối tạm thời vào đường nhánh gần nhất (hiện có) cho đến khi có điều kiện xây dựng được đường gom theo quy định hiện hành: Trường hợp công trình, dự án cùng phía tiếp giáp trực tiếp với đường nhánh, đã có quy định sử dụng chung điểm đấu nối tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT), cụ thể như sau: “5. Trường hợp sử dụng chung điểm đấu nối, chỉ áp dụng cho một công trình, dự án cùng phía tiếp giáp trực tiếp với đường nhánh của nút giao điểm đấu nối hiện hữu, không làm phát sinh điểm đấu nối mới. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc sử dụng chung điểm đấu nối hiện hữu vào quốc lộ. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chung điểm đấu nối phải thực hiện cải tạo nút giao sau khi được cơ quan đường bộ có thẩm quyền chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp phép thi công theo quy định”.
Trường hợp công trình, dự án cùng phía không tiếp giáp trực tiếp với đường nhánh, hiện chưa có quy định đấu nối tạm thời vào đường nhánh gần nhất (hiện có) cho đến khi có điều kiện xây dựng được đường gom theo quy định hiện hành.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án Luật Đường bộ sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Sau khi Luật Đường bộ được ban hành, trong quá trình soạn thảo Nghị định quy định về việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu các quy định này bổ sung vào dự thảo Nghị định tham mưu Chính phủ ban hành cho phù hợp.
Đối với nội dung: “Xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với khu vực đã được quy hoạch đô thị (Điều 15) không trùng khớp với phạm vi hành lang được xác định theo mốc lộ giới được xác định theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt của các địa phương theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TTBXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng; nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giải phóng mặt bằng, thu hồi hết đối với phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường bộ không được xây dựng lại nhà ở mới (Điều 44)”:
a. Đối với nội dung kiến nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với khu vực đã được quy hoạch đô thị (Điều 15) không trùng khớp với phạm vi hành lang được xác định theo mốc lộ giới được xác định theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt của các địa phương theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng: Đối với đường đô thị, bề rộng hành lang an toàn được tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt”; Để thực hiện Luật Quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng; tại Điều 2 có quy định: “3. Mốc chỉ giới đường đỏ là mốc xác định đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, có ký hiệu CGĐ.” Như vậy, quy định về hành lang an toàn đường bộ hiện hành đã phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án Luật Đường bộ sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Sau khi Luật Đường bộ được ban hành, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về hành lang an toàn đường bộ đối với khu vực đã được quy hoạch đô thị như các nội dung cử tri quan tâm nêu trên.
b. Đối với nội dung kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giải phóng mặt bằng, thu hồi hết đối với phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường bộ không được xây dựng lại nhà ở mới (Điều 44). Về nội dung này, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải