Không để thiếu cát cho các dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL

Thứ tư, 06/09/2023 08:45

Chiều 5/9, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết khó khăn về nguồn cát phục vụ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, qua kiểm tra thực tế đã nổi lên vấn đề thiếu cát cho các dự án. Đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết để đảm bảo được lượng cát có thể đáp ứng được trong điều kiện cho phép và hạn chế nhất tác động đến môi trường. Trong thời gian qua, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã làm việc trách nhiệm; hiện số lượng mỏ đang dự trữ hoặc chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục đều đã có báo cáo.

khong de thieu cat cho cac du an giao thong trong diem Dbscl hinh anh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ, công trình dự án là trách nhiệm lớn. Vì vậy, cần phải tìm ra giải pháp để tháo gỡ, nếu không tìm ra được giải pháp, không thực hiện được sẽ là khuyết điểm lớn đối với công trình trọng điểm quốc gia. Phó Thủ tướng đề nghị các chủ đầu tư, Ban quản lý, nhà thầu phải chỉ ra được nguyên nhân, các giải pháp và trách nhiệm giải quyết. Nếu không nắm chắc được tình hình, không biết được nguyên nhân sẽ không có giải pháp giải quyết được vấn đề.

“Chúng ta vừa phải đảm bảo được tiến độ nhưng không thể bằng mọi giá. Nói đến vấn đề liên quan đến vật liệu, đó là cát khai thác trên các dòng sông không thể bằng mọi giá. Lãnh đạo 13 tỉnh trong vùng nếu xác định rõ trách nhiệm và có sự chung tay, cần cùng các bên liên quan bắt đầu triển khai ngay công việc”, Phó Thủ tướng nói.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo các dự án cao tốc đang triển khai ở vùng ĐBSCL cần khối lượng đá các loại khoảng 6,6 triệu m3; khối lượng đất đắp khoảng 4,7 triệu m3 và cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Về nguồn cát trữ lượng lớn tập trung tại An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng là những địa phương có nguồn cát đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho các dự án.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tổng nhu cầu cát cho dự án hơn 18 triệu m3, trong đó năm 2023 cần hơn 9 triệu m3, năm 2024 cần 9 triệu m3. Tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu m3 và đã có quyết định giao 1,1 triệu m3 từ 4 mỏ đang khai thác. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2023 đến nay đã tạm dừng 1 mỏ và 1 mỏ tạm dừng khai thác do DN bị khởi tố, điều tra. 

Về nhu cầu năm 2024 cần khoảng 3,7 triệu m3 cát hiện An Giang chưa có phương án cung cấp.

Tỉnh Đồng Tháp cũng thống nhất bố trí cho dự án 7 triệu m3. Trong đó, dự án đã lấy được 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng công suất và dự kiến tiếp tục cấp thêm 1,3 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác. Đối với khối lượng còn lại, đã giao cho nhà thầu khảo sát 6 mỏ có tổng trữ lượng dự kiến là 6,62 triệu m3. Qua kết quả khảo sát, 1/6 mỏ không có trữ lượng, 5/6 mỏ còn lại có trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3, chỉ có thể khai thác khoảng 3,3 triệu m3 và dự kiến khai thác trong năm 2023 được 1,9 triệu m3.

Đối với tỉnh Vĩnh Long đã hướng dẫn thủ tục khai thác tại hai vị trí mỏ với tổng trữ lượng khoảng 1,38 triệu m3. Ngoài ra, Vĩnh Long sẽ giao cho nhà thầu ba mỏ với tổng trữ lượng dự kiến khoảng 3,2 triệu m3. Tuy nhiên, còn 1,1 triệu m3 còn lại Vĩnh Long chưa có kế hoạch.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhu cầu cát đắp nền cho dự án hơn 28 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần hơn 13 triệu m3, năm 2025 gần 9 triệu m3. Đối với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, tổng nhu cầu cát khoảng 3,58 triệu m3 và tỉnh Đồng Tháp sẽ bố trí đủ nguồn cát cho dự án.

Đối với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh nhu cầu cát đắp khoảng 3,1 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp đã cân đối đủ nguồn cát cho dự án. Việc cung cấp cát còn chậm, khối lượng chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu và một số địa phương chưa xác định đủ nguồn cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ngoài ra, việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác cát phục vụ dự án thành phần 2 và 3 thuộc dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng còn chậm.

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT nhấn mạnh, mặc dù trữ lượng cát đắp nền đủ đáp ứng nhu cầu cho các dự án, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT làm việc với các địa phương và có các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ. “Nếu các địa phương không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng theo kế hoạch, sẽ ảnh hưởng tiến độ hoàn thành các dự án”, ông Tiến khẳng định.

khong de thieu cat cho cac du an giao thong trong diem Dbscl hinh anh 2

Khó khăn của các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL

hiện nay là thiếu nguồn cát san lấp

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cát để hoàn thành công tác đắp nền đường trước tháng 6/2024 đối với dự án Cần Thơ - Cà Mau; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước tháng 12/2024, Bộ GTVT kiến nghị tinh An Giang bố trí bổ sung các mỏ đang khai thác khác thay thế các mỏ đã tạm dừng; tỉnh Vĩnh Long đẩy nhanh các thủ tục để các nhà thầu có thể khai thác; Đồng Tháp sớm hoàn thiện thủ tục để tiếp tục cung cấp cho dự án và đẩy nhanh thủ tục để các nhà thầu khai thác các mỏ đã giao.

Tại buổi làm việc, các địa phương có trữ lượng cát lớn là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và chủ đầu tư, các nhà thầu đã báo cáo về việc giao mỏ, khai thác cát để phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL. Những khó khăn, vướng mắc đã được đưa ra để cùng bàn thảo, tháo gỡ để những công trình trọng điểm của vùng về đích đúng tiến độ.

Nguồn: VOV.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:29920
Lượt truy cập: 176.507.349