Gia Lai: Yêu cầu cán bộ nêu gương, không lái xe khi đã uống rượu bia

Thứ tư, 27/09/2023 15:43

Ban ATGT tỉnh Gia Lai ra công văn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng quân đội, công an đóng trên địa bàn không vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Ngày 26/9, Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, Ban vừa ra văn bản gửi lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự ATGT liên quan đến nồng độ cồn. 

Theo đó, để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về trật tự ATGT liên quan đến nồng độ cồn, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. 

Công an tỉnh Gia Lai kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tại TP Pleiku.

Đồng thời, các cơ quan đơn vị tập trung quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm rõ và gương mẫu tự giác chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự ATGT liên quan đến nồng độ cồn; không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; thực hiện nghiêm quy định "đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện giao thông"; nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ.

Trước đó, tại cuộc họp sơ kết và đánh giá về công tác đảm bảo ATGT trên toàn tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, tình hình TNGT trên địa bàn Gia Lai giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế. 

Cụ thể, chủ yếu là do một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, kiềm chế TNGT trên địa bàn; công tác tuyên truyền chưa thu hút được thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số tham gia; ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế; các tuyến đường giao thông nông thôn phần lớn có quy mô nhỏ, điều kiện kỹ thuật kém an toàn, thiếu hệ thống an toàn giao thông, hệ thống chiếu sáng ban đêm, các nút giao chưa đảm bảo an toàn; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm một số thời điểm chưa khép kín tuyến, địa bàn, thời gian do địa bàn rộng, lực lượng mỏng.

Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, đồng thời quyết liệt thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự ATGT.

Ông Quế cũng yêu cầu, toàn tỉnh Gia Lai tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông phù hợp với từng địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô ngay tại cơ sở cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Điều này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động để mỗi người dân phải có kiến thức, kỹ năng và ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. 

Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong bảo đảm TTATGT. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh việc vận động, giáo dục cá biệt đối với thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm ngay từ thôn, làng, trên đường huyện, đường xã. 

Tiếp tục siết chặt công tác quản lý vận tải, kiểm soát tải trọng xe; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật về TTATGT, không lái xe khi đã uống rượu bia, hướng dẫn quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, tính từ ngày 16/12/2022 đến 15/9/2023, toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 229 vụ, làm chết 153 người, bị thương 156 người. So với cùng kỳ năm 2022 giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể: giảm 9,49% số vụ (229/253 vụ), giảm 14,53% số người chết (153/179 người), giảm 25,36% số người bị thương (156/209 người).

Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do các lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Trong đó, không chú ý quan sát 58 vụ (chiếm 25,33%); lấn đường: 45 vụ (chiếm 19,65%); tránh, vượt, chuyển hướng sai quy định 32 vụ (chiếm 13,97%); vi phạm tốc độ, khoảng cách an toàn: 21 vụ (chiếm 9,17%)…

Đáng chú ý, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện khi có rượu bia trong cơ thể vẫn ở mức cao. Cụ thể: có 57 vụ do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia. Ngoài ra, có 42 vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe./.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:103687
Lượt truy cập: 175.653.015