Việc áp dụng phương pháp đào hầm mới giúp việc thông hầm số 2
dài 698m (thuộc gói thầu XL02) DA cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn
được rút ngắn 4 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có chiều dài 88km, đi qua tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi, gồm hầm 1 dài 610m; hầm 2 dài 698m và hầm 3 dài 3.200m. Trong đó, hầm 3 là hầm lớn nhất được xây mới trên tuyến cao tốc bắc-nam, cũng là đường găng tiến độ thi công của dự án. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hầm số 3 là hầm xuyên núi lớn thứ 3 cả nước, sau hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả.
Phương pháp đào hầm mới, lần đầu áp dụng tại Việt Nam
Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, để rút ngắn tiến độ, bảo đảm mốc thông hầm 2 vào ngày 31/12/2023 như cam kết với Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Đèo Cả đã cải tiến phương pháp đào hầm rút ngắn thời gian 1 chu kỳ và tăng số lượng mũi thi công từ 4 mũi thông thường thường thành 6 mũi, giúp tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, giảm chi phí nhân công, máy móc. Phương pháp này đã được triển khai thực nghiệm, mời các chuyên gia đầu ngành về hầm đánh giá và xác định tính khả thi.
“Với phương pháp đào hầm “hệ Đèo Cả”, đòi hỏi phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng, hiện đại, đồng thời công tác tổ chức thi công phải chuyên nghiệp từ điều phối máy móc thiết bị, con người, biện pháp thi công, bởi trong không gian rất hẹp, một sơ suất nhỏ cũng có thể xảy ra những sự cố khó lường”, ông Nguyễn Tấn Đông chia sẻ và cam kết, việc áp dụng phương pháp đào hầm mới của Tập đoàn Đèo Cả, thì thời gian thông hầm 2 được rút ngắn 4 tháng so với kế hoạch ban đầu là tháng 4/2024.
Với phương pháp đào hầm “hệ Đèo Cả”, đòi hỏi phải sử dụng
các thiết bị chuyên dụng, hiện đại.
Không chỉ rút ngắn thời gian thông hầm, việc đẩy nhanh tiến độ thông hầm 2 giúp tạo được tuyến đường vận chuyển mới, từ đó giảm thời gian vận chuyển đất, đá đào tận dụng để đắp nền đường. Đồng thời, tận dụng được đá đào hầm cho việc thi công các cầu, cống thuộc gói thầu XL2 (từ phạm vi phía bắc hầm 3 và phía nam hầm 2) với khối lượng rất lớn, ước khoảng 1 triệu m3.
Bên cạnh đó, khi hầm 2 được đào thông, việc vận chuyển vật tư, vật liệu và thiết bị vào thi công phía bắc hầm 3 và phía nam hầm 2 chỉ còn khoảng 700m (thay vì vận chuyển theo đường đèo cũ là 3.600m). Đây cũng là yếu tố quyết định rất lớn cho việc đẩy nhanh và bảo đảm tiến độ thi công hầm 3, gói thầu XL2 nói riêng và góp phần thúc đẩy tiến độ chung của toàn dự án, giúp giảm thiểu thiệt hại và an toàn hơn trên cung đường vận chuyển qua đèo dốc, khi phải đối mặt với mùa mưa lũ khắc nghiệt tại miền trung.
Tập đoàn Đèo Cả tăng số lượng mũi thi công từ 4 mũi thông thường thành 6 mũi,
giúp tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, giảm chi phí nhân công, máy móc.
Đánh giá phương pháp đào hầm mới của Tập đoàn Đèo Cả, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy biểu dương nhà thầu thi công đã sáng tạo, nghiên cứu, đề xuất giải pháp thi công mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. “Không chỉ áp dụng thi công hầm 2, Ban Quản lý dự án và nhà thầu tiếp tục áp dụng phương pháp thi công hầm 3 để rút ngắn tiến độ toàn bộ dự án. Đồng thời, Cục Quản lý xây dựng xem xét, tổng kết phương pháp thi công để phổ biến, áp dụng thi công toàn bộ các hầm trên tuyến cao tốc bắc-nam giai đoạn 2 nhằm rút ngắn tiến độ và mang lại hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đề nghị.
Sáng kiến sử dụng tuần hoàn nước thi công
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông, Tập đoàn Đèo Cả luôn hướng tới việc xây dựng các công trình “xanh”, thân thiện với môi trường khi áp dụng nhiều phương pháp nhằm giảm tối đa việc tác động đến môi trường tự nhiên.
Đối với công tác thi công hầm, bên cạnh sáng kiến cải tiến phương pháp đào hầm, Đèo Cả cũng đã nghiên cứu và hiện đang áp dụng sáng kiến sử dụng tuần hoàn nước thi công, tiết kiệm tới 95% lượng nước sử dụng trong đào hầm, hạn chế tối đa việc khai thác nguồn nước ngầm hiện đang ngày càng khan hiếm.
Tập đoàn Đèo Cả luôn hướng tới việc xây dựng các công trình “xanh”,
thân thiện với môi trường khi áp dụng nhiều phương pháp
nhằm giảm tối đa việc tác động đến môi trường tự nhiên.
Ban điều hành gói thầu XL2 cho biết, tỉnh Quảng Ngãi có lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.287mm và tập trung vào tháng 9 đến tháng 12 (chiếm đến 75% lượng mưa cả năm). Các tháng khác khô hạn, lượng mưa khoảng 25,9mm/tháng. Nguồn nước ngầm tại khu vực rất khan hiếm, trong khi đó lượng nước cần để dùng cho việc khoan hầm khoảng 100 khối/ngày. Vì vậy, Ban điều hành đã nghiên cứu sử dụng nước tuần hoàn bằng cách tiến hành thu gom nước máy khoan ra, lọc để bơm ngược lại tái sử dụng. Phương pháp này tận dụng được khoảng 95% lượng nước khoan hầm để lọc lại sử dụng tiếp, nhờ đó lượng nước tiêu hao hằng ngày chỉ còn dưới 5 khối.
Tập đoàn Đèo Cả cũng xây dựng Trung tâm Quản lý chất lượng-An toàn lao động-Vệ sinh môi trường ngay tại văn phòng hiện trường dự án. Việc này không nằm trong hồ sơ yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải hay hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhưng quá trình học tập nghiên cứu tại các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả đã chỉ đạo xây dựng Trung tâm này nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến về công tác bảo đảm an toàn lao động và quản lý chất lượng qua các pano, băng rôn, khẩu hiệu, hình ảnh, hình mẫu.