Theo đó, về đường bộ, ngoài đẩy mạnh đầu tư các tuyến như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) với quy mô quy hoạch 6 làn xe qua địa bàn tỉnh; 3 tuyến Quốc lộ: 1, 27, 27B (đường bộ quốc gia) đã được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo 10 tuyến đường tỉnh hiện có đạt quy mô tối thiểu đường cấp III, IV (trong đó điều chỉnh kéo dài 8 tuyến đường tỉnh là: 703, 704 (2 nhánh), 705, 707, 707B, 708, 709 và 709B). Phát triển mới 2 tuyến đường kết nối từ cảng Cà Ná đến khu vực Nam Tây Nguyên và kết nối huyện Ninh Sơn với huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng nhằm tăng cường kết nối các khu vực trong tỉnh và kết nối liên vùng với quy mô tối thiểu đường cấp III, IV.
Thi công đường nối thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn
đi huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng
Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận còn phát triển 7 tuyến đường tỉnh mới, gồm: Đường tỉnh 701B (đường vành đai phía Đông Nam), điểm đầu từ Quốc lộ 27 huyện Ninh Sơn, điểm cuối giao đường ven biển huyện Ninh Phước; Đường tỉnh 702B (đường vành đai phía Bắc), điểm đầu từ đường ven biển huyện Ninh Hải, điểm cuối giao Quốc lộ 27 huyện Ninh Sơn; Đường tỉnh 705B (đường nối cao tốc về TP Phan Rang - Tháp Chàm), điểm đầu từ Quốc lộ 27 huyện Ninh Sơn, điểm cuối giao đường Trường Chinh (TP Phan Rang - Tháp Chàm); Đường tỉnh 709C (đường nối cao tốc với Quốc lộ 1 và cảng Cà Ná), điểm đầu từ ĐT709 huyện Thuận Nam, điểm cuối giao đường ven biển huyện Thuận Nam; tuyến kết nối Tỉnh lộ 9, điểm đầu từ Quốc lộ 27 huyện Bác Ái, điểm cuối giao ranh giới tỉnh Khánh Hòa - tỉnh Ninh Thuận; Đường tỉnh 707C (tuyến đường tránh Quốc lộ 27B), điểm đầu từ Quốc lộ 27 huyện Ninh Sơn, điểm cuối giao Quốc lộ 27B huyện Bác Ái; Đường tỉnh 707D (tuyến đường tránh Quốc lộ 27), điểm đầu từ Quốc lộ 27 và ĐT709 huyện Ninh Sơn, điểm cuối giao Quốc lộ 27 huyện Ninh Sơn.
Đối với các đoạn tuyến đi qua đô thị, đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch đô thị; đối với các đoạn tuyến đi qua các khu dân cư tập trung, nghiên cứu quy mô, hướng tuyến theo điều kiện đặc thù khu vực. Đường bộ ven biển gồm 1 tuyến được nâng cấp từ ĐT701, ĐT702 với quy mô tối thiểu đường cấp III.
Về đường sắt, dự kiến giai đoạn đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Trong trường hợp địa phương hoặc nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai sớm hơn. Đối với đường sắt chuyên dụng sẽ phát triển tuyến đường sắt nối từ cảng tổng hợp Cà Ná đến ga Cà Ná nhằm phát triển vận tải đa phương thức trên địa bàn tỉnh, khổ 1.000mm. Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển sân bay Thành Sơn thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng, quy mô sân bay cấp 4C, theo định hướng phát triển sân bay đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.
Về hạ tầng hàng hải, tập trung phát triển khu bến Cà Ná tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng, khí trọng tải lên đến 100.000 DWT và lớn hơn khi đủ điều kiện. Phát triển khu bến Ninh Chữ gồm các bến tổng hợp, bến khách tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 10.000 tấn. Đồng thời thúc đẩy phát triển cảng cạn Cà Ná, Lợi Hải, trong đó: Cảng cạn Cà Ná cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu công nghiệp của tỉnh ở phía Nam, phân phối hàng hóa nhập khẩu cho khu vực và vùng lân cận; năng lực thông qua 150.000-200.000 Teu/năm; cảng cạn Lợi Hải cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu công nghiệp của tỉnh ở phía Bắc, phân phối hàng hóa nhập khẩu cho khu vực và vùng lân cận; năng lực thông qua 50.000-70.000 Teu/năm.
Tuyến đường ven biển Vĩnh Hy-Bình Tiên (huyện Ninh Hải) được đầu tư kiên cố
góp phần thu hút đông đảo du khách đến tham quan
Đặc biệt, để phục vụ phát triển DL, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển mới 3 tuyến đường thủy nội địa, gồm: Luồng Ninh Chữ - Mũi Dinh - Cà Ná; luồng Bình Sơn - Hòn Đỏ - Thái An - Vĩnh Hy; luồng Bình Tiên - Bãi Kinh - Vĩnh Hy kết nối các bến, cụm bến DL được quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh phát triển mới 10 bến thủy gắn với các điểm DL ven biển trên địa bàn tỉnh, gồm 5 bến thủy tại huyện Ninh Hải là các bến: Bãi Kinh, Vĩnh Hy, Thái An, Bình Tiên, Hòn Đỏ; 2 bến thủy tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là bến: Bình Sơn - Ninh Chữ, bến Đông Hải; 2 bến tại huyện Thuận Nam là bến Mũi Dinh, bến Cà Ná; 1 bến du thuyền Ninh Chữ tại huyện Ninh Hải. Mục đích của tỉnh nhằm khai thác, phát triển các khu vực dọc theo dải ven biển làm động lực với các lợi thế tiềm năng hiện có như vịnh, bãi tắm. Ưu tiên chú trọng các khu vực đặc thù khác như: Các cồn cát, khu vực sản xuất muối theo định hướng sản phẩm DL mới lạ, độc đáo, khác biệt. Trong đó, chú trọng phát triển Khu DL quốc gia Ninh Chữ với trọng tâm là các hoạt động kinh tế DL khai thác các giá trị kinh tế biển, các giá trị sinh thái cảnh quan đa dạng, có tính đặc thù cao, góp phần tạo dựng môi trường biển độc đáo.
Đồng thời, quy hoạch phát triển vùng liên huyện Thuận Bắc - Ninh Hải. Bên ngoài là vùng cửa ngõ kết nối với tỉnh Khánh Hòa để phát triển dịch vụ, công nghiệp, DL, đây là vùng DL trọng điểm phía Bắc của tỉnh, đặc biệt là khu vực Bình Tiên, Vĩnh Hy gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển thế giới vườn quốc gia Núi Chúa...
Phấn đấu đến năm 2030, đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh.