Thời gian qua, nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm, Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, TC. Nhiều văn bản đã được Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, gần đây Ban Cán sự đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết số 50 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Bộ trưởng ban hành Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, bên cạnh đó để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Ban Cán sự đảng Bộ ban hành Chỉ thị số 02-CT/BCSĐ, ngày 20/3/2023 về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Bộ GTVT…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiểm tra công trường
cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang tháng 11/2023
Song song với đó, Bộ cũng rất chú trọng công tác thông tin, phổ biến, tuyên truyền các văn bản về công tác PCTN, TC đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ GTVT. Kể từ khi ban hành Nghị quyết số 50 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Bộ trưởng ban hành Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, bên cạnh đó để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Ban Cán sự đảng Bộ ban hành Chỉ thị số 02-CT/BCSĐ đến nay Bộ GTVT đã tổ chức 7 Hội nghị tuyên truyền các văn bản về công tác PCTN, TC cho gần 6000 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, Bộ GTVT cũng đã tập trung làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất đã được tiến hành. Qua đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Nhờ đó, Bộ GTVT đã đạt được nhiều kết quả tích cực bước đầu như: công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác tổ chức cán bộ, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong huy động, sử dụng các nguồn vốn được nâng cao, tỷ lệ giải ngân hàng năm đạt tỷ lệ cao nhất cả nước.
Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải ngày 23/11/2023, Bộ trưởng Nguyễn văn Thắng đã ký Công văn số 13377/BGTVT-TTr yêu cầu thực hiện tốt công tác kiểm tra.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; Việc tiến hành kiểm tra được thực hiện theo Quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền theo quy định pháp luật; bảo đảm khẩn trương, kịp thời, có mục đích phòng ngừa từ sớm, từ xa nhằm tránh dẫn đến các sai sót, vi phạm pháp luật; khi thực hiện phải khách quan, minh bạch, chính xác; Công tác kiểm tra phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình, phương pháp và nội dung kiểm tra; kết thúc kiểm tra phải chỉ ra được những ưu điểm, tồn tại, hạn chế (nếu có), kiến nghị giải pháp khắc phục; Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để gây sách nhiễu, cản trở hoạt động của cơ quan, đơn vị; Chủ động, kịp thời tiến hành kiểm tra ngay khi có thông tin, phản ánh về những vấn đề tiêu cực, vi phạm thuộc phạm vi thẩm quyền.
Các Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành, được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Về Quyết định kiểm tra, Bộ trưởng yêu cầu Quyết định kiểm tra phải có căn cứ pháp lý; nội dung, phạm vi kiểm tra; thời hạn kiểm tra; thời kỳ kiểm tra; Đoàn kiểm tra hoặc Tổ kiểm tra (sau đây gọi chung là Đoàn kiểm tra); nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra gồm có: Trưởng đoàn, các thành viên, có thể có Phó trưởng đoàn để giúp Trưởng đoàn thực hiện một số nhiệm vụ được giao.
Thời hạn kiểm tra: không quá 10 ngày làm việc đối với các Đoàn kiểm tra do Cục thuộc Bộ thành lập; không quá 15 ngày đối với các Đoàn kiểm tra do Bộ GTVT thành lập (trừ trường hợp phạm vi kiểm tra rộng, liên quan đến nhiều đối tượng hoặc vấn đề phức tạp).
Việc kiểm tra được thực hiện theo Kế hoạch tiến hành kiểm tra được phê duyệt. Sau khi thu nhận báo cáo của đối tượng kiểm tra và các hồ sơ tài liệu có liên quan, Đoàn kiểm tra tổ chức nghiên cứu, phân tích, nhận xét, đánh giá những thông tin thu thập được, yêu cầu đối tượng kiểm tra giải trình, báo cáo bổ sung để làm rõ những vấn đề liên quan nếu cần thiết. Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra phải đánh giá được ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành quy định pháp luật liên quan đến nội dung kiểm tra; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng trong quá trình kiểm tra; kiến nghị các biện pháp xử lý để khắc phục những tồn tại, hạn chế được phát hiện trong quá trình kiểm tra.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc chủ động nhận diện những vấn đề, nội dung tiềm ẩn nguy cơ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực được giao phụ trách để kịp thời tham mưu, tiến hành kiểm tra, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa. Lựa chọn nhân sự có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu để tham gia các đoàn kiểm tra. Chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra theo quy định; gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Thanh tra Bộ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra để theo dõi, tổng hợp.
Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ theo dõi chung; chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan đôn đốc thực hiện; tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy định này để tiếp tục hoàn thiện.
DT