Hoạt động xe buýt trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Việc phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt là xu thế tất yếu nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Qua đó góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, hướng đến thành phố văn minh, hiện đại tại các thành phố lớn hiện nay. Theo đó, những năm gần đây, chất lượng dịch vụ giao thông công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ không ngừng được nâng lên. Từ năm 2020, TP Cần Thơ đưa vào hoạt động 7 tuyến xe buýt nội tỉnh chất lượng cao, không trợ giá, tổng chiều dài các tuyến khoảng 234km. Số lượng xe buýt đưa vào hoạt động là 41 xe, gồm: 8 xe (25 chỗ ngồi, 15 chỗ đứng); 17 xe (16 chỗ ngồi, 8 chỗ đứng) và 16 xe (19 chỗ ngồi, 1 chỗ đứng). Các xe đều là xe đời mới, có máy lạnh, wifi, tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Bên cạnh đó còn có 10 tuyến xe buýt liền kề đang khai thác, kết nối với các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang… Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị, lượng hành khách sử dụng xe buýt tăng dần. Trong tháng 11 vừa qua, lượng hành khách sử dụng xe buýt là 57.536 lượt, tăng 1,5% so với tháng trước; doanh thu hơn 979 triệu đồng, tăng 5,7% so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng năm 2023, thực hiện 71.679 chuyến xe buýt với 624.479 lượt hành khách, doanh thu khoảng 10,2 tỉ đồng.
Cô Nguyễn Thúy An ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Mấy năm nay, xe buýt của thành phố có nhiều thay đổi. Xe mới, có máy lạnh, wifi, giá vé phù hợp, bác tài vui vẻ thân thiện. Do vậy, có việc cần đi trung tâm thành phố, tôi lựa chọn đi xe buýt thoải mái và an toàn”…
Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng bằng xe buýt, thời gian qua, Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ đã đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích thiết thực của vận tải hành khách công cộng để người dân hiểu và sử dụng thông qua phát tờ bướm, treo băng rôn, pano… Cùng đó, Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị cũng phối hợp với các trường như Đại học Cần Thơ, Đại học FPT Cần Thơ… tổ chức hoạt động tuyên truyền các lợi ích khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung và phương tiện xe buýt nói riêng cho các bạn sinh viên, các chính sách giá vé dành cho học sinh - sinh viên là 5.000 đồng/lượt cho toàn tuyến, quyền lợi khi sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại. Lộ trình mạng lưới các tuyến xe buýt được thông tin tại các trạm xe buýt, trang Facebook CanthoBus… để người dân nắm bắt. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được chú trọng nâng cao như mở rộng vùng phục vụ của xe buýt; thay thế các phương tiện xe buýt mini đáp ứng điều kiện về diện tích mặt đường, giảm áp lực giao thông và tăng tần suất khai thác giữa các chuyến… Thành phố cũng triển khai đầu tư sửa chữa, xây dựng mới 70 nhà chờ và 431 trạm dừng xe buýt khang trang, hiện đại phục vụ người dân khi sử dụng xe buýt…
Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ, sắp tới, Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị sẽ đưa vào khai thác thêm 4 tuyến xe buýt nội tỉnh tăng khả năng kết nối, tiếp cận xe buýt đến người dân. Cụ thể, tuyến xe buýt số 08: Cần Thơ - Giai Xuân - Phong Điền, cự ly tuyến là 27km; tuyến xe buýt số 09: Phong Điền - lộ tẻ Ba Se - Ô Môn, cự ly tuyến là 24km; tuyến xe buýt số 10: Phong Điền - Thới Lai, cự ly tuyến là 19km và tuyến xe buýt số 11: Ba Láng (quận Cái Răng) - Khu công nghiệp Trà Nóc - Ô Môn, cự ly tuyến là 36km. Trung tâm phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của hoạt động xe buýt. Trong đó chú trọng đến việc nâng cao ý thức, thái độ của đội ngũ lái xe, tiếp viên chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh biểu đồ giờ hợp lý, rút ngắn thời gian chờ đợi xe của người dân tham gia xe buýt; chạy đúng giờ đã cam kết theo phương án và tăng cường thêm xe để bố trí dự phòng. Kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh trực tiếp của người dân về chất lượng dịch vụ cũng như cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động xe buýt trên địa bàn thành phố.
Theo ông Phạm Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, để thu hút người dân sử dụng xe buýt đi lại, Sở Giao thông vận tải thành phố yêu cầu các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng doanh nghiệp vận tải tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh xe buýt để ngày càng có nhiều người biết đến hệ thống xe buýt và lựa chọn làm phương tiện đi lại. Bên cạnh đó, rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xe buýt để có điều chỉnh cho phù hợp, tăng khả năng tiếp cận của người dân. Nghiên cứu mở mới các tuyến xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân…