Đưa cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào khai thác

Chủ nhật, 24/12/2023 11:55

Sáng nay (24/12), Bộ GTVT đồng loạt khánh thành 4 công trình giao thông quan trọng gồm Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tại 4 điểm cầu Điện Biên, Tuyên Quang, Vĩnh Long và Tiền Giang.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã tới dự tại điểm cầu Điện Biên (dự án Cảng Hàng không Điện Biên).

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đã tới dự tại điểm cầu Vĩnh Long (dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ). Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang tới dự tại điểm cầu Tiền Giang (dự án cầu Mỹ Thuận 2).

Tại điểm cầu Tuyên Quang, dự Lễ khánh thành có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ... 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã báo cáo tổng quan về các dự án

Thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã báo cáo tổng quan về các dự án. Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; Bộ GTVT cùng với các địa phương đã và đang mạnh mẽ đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm, thực hiện phân cấp, phân quyền, quyết liệt, bám sát thực tiễn để chỉ đạo, điều hành, nêu cao trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu với mục tiêu hoàn thành các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ - mỹ thuật, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Đến nay, nhiều dự án trọng điểm của ngành GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Riêng trong năm 2023 đã đưa vào khai thác 475 km đường bộ cao tốc nâng tổng số đường bộ cao tốc của nước ta lên 1.892 km và hoàn thành nâng cấp mở rộng cảng hàng không Phú Bài, cảng hàng không Điện Biên. 

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cùng các đại biểu

 thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây với quy mô 4 làn xe cao tốc theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 06/12/2019, điều chỉnh tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 và giao cho UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức thực hiện với quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe rộng 17m và làn dừng đỗ không liên tục, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều dài 40,2 km, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án được khởi công ngày 01/02/2021. Dự án hoàn thành rút ngắn thời gian kết nối giữa Tuyên Quang, Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội. Trong tương lai không xa, khi tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hoàn thành sẽ tạo trục đường cao tốc nối liền Hà Nội với Tuyên Quang và Hà Giang tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang và khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang

và các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Mỹ Thuận 2.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe theo theo quy hoạch. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 và giao cho Bộ GTVT tổ chức thực hiện với quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều dài 23 km; tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án khởi công ngày 01/02/2021.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 và giao cho Bộ GTVT tổ chức thực hiện.

Dự án có phần cầu chính dài 1,9km theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh. Đường dẫn dài 4,7 km phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án khởi công ngày 16/3/2020.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Đỗ Văn Chiến;

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
cùng lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ... thực hiện

nghi thức khánh thành tại điểm cầu Tuyên Quang.

Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình cầu lớn vượt sông Tiền nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, với khẩu độ nhịp chính dây văng dài 350m, mặt cắt ngang 6 làn xe rộng 28,3m, móng cọc khoan nhồi trụ chính đường kính 2,5m sâu 115m đã được thiết kế, tổ chức thi công, xây dựng bởi các kỹ sư, công nhân, cán bộ quản lý người Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc về thiết kế, thi công cũng như quản lý, tiến tới làm chủ công nghệ trong xây dựng cầu dây văng của các kỹ sư Việt Nam.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nối từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án đưa vào khai thác sẽ giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như trước đây. Trong tương lai cùng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ tạo ra mạng lưới đường bộ cao tốc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, cũng như các dự án triển khai trong thời gian vừa qua, để 4 dự án hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thách thức như:

Triển khai trong giai đoạn cả nước phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội; Thứ 2 là Dự án có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế để đảm bảo chất lượng; thứ 3 là giá nhiên liệu, vật liệu nhiều thời điểm tăng đột biến; thứ 4 là Việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, đặc biệt là nguồn cát đắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long khó khăn; Ngoài ra, thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

Trước tình hình đó, Chính phủ, đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, đã nhiều lần thăm động viên, kiểm tra tiến độ các dự án; quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn và vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Đồng thời, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "những lúc cả nước khó khăn phải cùng đồng lòng vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ", Ngành GTVT và các địa phương, đơn vị được giao là Chủ đầu tư xác định phải quyết tâm hoàn thành các dự án vì đó là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, nhà nước và nhân dân; trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo địa phương có dự án đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, làm việc với các Bộ ngành và địa phương để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ theo thẩm quyền và đôn đốc triển khai.

Bộ GTVT, các địa phương đã phát động các phong trào thi đua yêu nước với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là "mệnh lệnh" để các chủ thể tham gia Dự án nỗ lực phấn đấu. Hưởng ứng phong trào thi đua, các đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết. Các Chủ đầu tư đã áp dụng mọi cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu. Các đơn vị tư vấn đã bám sát hiện trường, giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý những điều chỉnh, bổ sung về thiết kế. Các nhà thầu đã tập trung huy động nhân lực, thiết bị, tài chính, nỗ lực thi công ngày đêm thực hiện đúng cam kết thi đua về tiến độ từng gói thầu.

Hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày, đêm, vì công việc, vì tình yêu đất nước, yêu nghề đã vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động, những nhớ nhung, xa cách người thân và gia đình kể cả trong những ngày lễ, tết đoàn viên để bám máy, bám công trường thi công không nghỉ.

Với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" vượt qua những khó khăn, thách thức, 4 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác để phục vụ nhân dân vào dịp năm mới 2024.

Cầu Mỹ Thuận 2 ngày khánh thành

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Hôm nay tại TP Điện Biên Phủ - địa danh lịch sử với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chúng ta cùng với các địa phương Tuyên Quang, Tiền Giang, Vĩnh Long, - những vùng đất lịch sử, có nền văn hóa bản sắc và có truyền thống lịch sử hào hùng, nhưng đời sống người dân ở các vùng này còn rất khó khăn, tổ chức khánh thành 4 dự án sân bay, cầu lớn qua sông tiền, đường cao tốc ở 2 đầu đất nước với tổng số vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng.

Đây là dấu mốc lịch sử lần đầu tiên tổ chức khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm, trong cùng thời điểm bằng trực tuyến. Xúc động hơn nữa khi gặp mặt 20 chiến sĩ Điện Biên Phủ, cách đây 70 năm đã hy sinh một phần xương máu, cống hiến thanh xuân góp phần trong chiến thắng Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sự kiện khánh thành sân bay Điện Biên Phủ và 3 công trình giao thông có thể coi là món quà của thế hệ hôm nay động viên, gửi đến các chiến sĩ năm xưa.


Tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ chính thức đưa vào sử dụng.

Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn đã chứng minh giao thông vận tải nói chung, hạ tầng đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét trong phát triển KTXH. Giao thông phát triển đến đâu, mở ra không gian phát triển đến đó. Nhiều khu đô thị khu công nghiệp dịch vụ du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả, giá trị gia tăng của đất được cao hơn. Đặc biệt là giảm chi phí logictic, chi phí đầu vào và tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức, có thể tăng cường giao lưu sinh hoạt phát triển sản xuất kinh doanh. Bốn công trình hôm nay đưa vào sử dụng khai thác góp phần đưa kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã có 730km đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đưa vào khai thác sử dụng. Nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước đến nay lên gần 1.900km. Và đang thi công gần 1.700km cao tốc kết nối Bắc Nam và các cao tốc kết nối Đông Tây. Nếu mọi việc xuôn sẻ, chúng ta sẽ hoàn thành vượt mực mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là đến năm 2025 chúng ta có gần 3.000km đường cao tốc, và đến 2030 chúng ta Kỷ niệm 100 năm này thành lập Đảng, chúng ta sẽ có trên 5.000km đường cao tốc.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các dự án khánh thành ngày hôm nay đều có chung đặc điểm như: có nhiều vướng mắc về pháp lý cần tháo gỡ; kinh phí đầu tư có hạn nên phải huy cộng cả trung ương, cả địa phương, phải tăng thu tiết kiệm chi; khó khăn về nguyên vật liệu; nền đất yếu ở khu vực phía Nam... Khan hiếm nguyên vật liệu là khó khăn của các công trình, như ở Điện Biên phải nghiền đá thay cát sỏi. Khó khăn nữa là thi công trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cuối cùng là những khó khăn trong giải phóng mặt bằng và bảo vệ môi trường. 

"Nhưng với trách nhiệm cao, Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương, sự nỗ lực của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn kỹ thuật, kỹ sư công nhân và người dân nơi dự án đi qua, tất cả đã cùng vào cuộc với tinh thần “vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường, chiến thắng đại dịch”, làm việc 3 ca 4 kíp xuyên lễ, xuyên Tết... mới có được kết quả như ngày hôm nay", Thủ tướng nói.

Dành lời khen ngợi các đơn vị thi công cầu Mỹ Thuận 2 - công trình cầu dây văng khẩu độ lớn được thiết kế, thi công, tổ chức xây dựng bởi các kỹ sư, công nhân, cán bộ quản lý người Việt Nam với quy mô lớn hơn, chi phí thấp hơn 50% chi phí xây dựng cầu Mỹ Thuận 1, Thủ tướng  nhấn mạnh “Đây là kết quả của đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ bắt kịp và làm chủ các công nghệ mới, thể hiện ý chí, trí tuệ và khát vọng của con người Việt Nam. Cầu Mỹ Thuận 2 chính là niềm tự hào mới của ngành xây dựng Việt Nam”.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung khai thác hiệu quả các dự án vừa hoàn thành, triển khai sớm các trạm dừng nghỉ phục vụ nhân dân; tiếp tục tập trung đầu tư cải thiện đời sống nhân dân vùng dự án; thực hiện duy tu, bảo dưỡng, hoàn thiện các hạng mục còn lại, trong đó có việc hoàn trả các đường công vụ; thanh quyết toán công khai minh bạch, chống thất thoát…

T.H

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:206733
Lượt truy cập: 176.375.532