Theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023 do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cử tri tỉnh An Giang kiến nghị như sau: “Đề nghị quan tâm, sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, cầu Thuận Giang (huyện Phú Tân). Đồng thời, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến Quốc lộ N2, phối hợp sớm hoàn thành cầu Tân Châu - Châu Đốc, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang, tạo điều kiện kết nối khu vực, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới”.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Về đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cầu Tân Châu - Châu Đốc
Theo Quy hoạch, Quốc lộ N1 có tổng chiều dài 235 km, quy mô quy hoạch là đường cấp III - IV, 2 - 4 làn xe, trong đó đoạn qua tỉnh An Giang dài khoảng 53 km, quy mô cấp III - IV, 2 - 4 làn xe. Hiện trạng, mới chỉ có đoạn từ Châu Đốc - Hà Tiên đã được đầu tư theo quy hoạch, các đoạn tuyến còn lại khai thác chưa liên tục trên cơ sở tận dụng các tuyến đường địa phương với quy mô nhỏ hẹp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT,… Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang, Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hoàn chỉnh các thủ tục để phân cấp cho UBND tỉnh An Giang thực hiện dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 57,2 km; tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng; trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã cân đối 1.671 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Tuyến nối Quốc lộ 91 và Tuyến tránh thành phố Long Xuyên.
- Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư cầu Tân Châu - Hồng Ngự nhằm thay thế bến phà Tân Châu - Hồng Ngự như kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang. Bộ GTVT thống nhất về sự cần thiết nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự trên Quốc lộ N1, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế của tỉnh An Giang nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án khi có điều kiện về nguồn lực. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ3 về việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn phù hợp cho dự án, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các bộ, ngành để xây dựng, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn phù hợp nhằm sớm triển khai thực hiện công trình này.
- Đối với công trình cầu Tân Châu - Châu Đốc: Dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc theo hình thức Hợp đồng BOT đã được Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 4316/QĐBGTVT ngày 07/12/2015. Trong năm 2020, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án nhưng không thành công và Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chuyển đổi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang để thực hiện dự án theo hình thức BOT4 . Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn nên Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công tại văn bản số 2440/VPCP-CN ngày 07/4/2021. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã phê duyệt5 Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với các tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp có chiều dài 21 km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025 (trong đó có đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc). Đây là công trình do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quyết định đầu tư, hiện đang thi công và dự kiến hoàn thành năm 2025. Bộ GTVT ủng hộ và sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương trong quá trình triển khai nhằm xử lý kịp thời các vướng mắc, đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
2. Về đầu tư xây dựng cầu Thuận Giang nối liền giữa huyện Chợ Mới và Phú Tân (An Giang)
Cầu Thuận Giang bắc qua sông Vàm Nao nối huyện Chợ Mới với huyện Phú Tân nằm trên tỉnh lộ ĐT.942 thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang. Ngày 01/9/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ ĐT.942, ĐT.954, ĐT.953 qua địa bàn các tỉnh Đồng Tháp và An Giang thành Quốc lộ 80B và "Các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe"6 . Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chủ động cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện, đồng thời trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về nội dung nêu trên theo thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
3. Về phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quốc lộ N2
Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ ĐT.941, ĐT.958, ĐT.969 (đê biển Rạch Giá - Hòn Đất) qua địa bàn các tỉnh An Giang và Kiên Giang thành Quốc lộ N2, chiều dài khoảng 72 km, quy mô quy hoạch là đường cấp III, 2-4 làn xe. Thực hiện quy định tại khoản 4, mục III, Điều 1 Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chủ động cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện, đồng thời trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về nội dung nêu trên theo thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.