Tập trung tháo gỡ các khó khăn, cung ứng vật liệu xây dựng
cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng, thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng theo định kỳ hàng tháng, công bố chỉ số giá xây dựng công trình (theo định kỳ hàng quý, hàng năm hoặc sớm hơn khi cần thiết) bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, xác định các định mức mới, định mức điều chỉnh, định mức dự toán cho các công tác xây dựng tại địa phương đã được UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền nhưng chưa phù hợp hoặc còn thiếu để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, thực hiện xác định danh mục, lập kế hoạch rà soát định mức dự toán các công tác xây dựng đặc thù của ngành; đồng thời, tổ chức xây dựng các định mức của địa phương thuộc chuyên ngành quản lý; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh theo quy định. Hướng dẫn các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chuyên ngành áp dụng, tham khảo các định mức xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố và các công cụ cần thiết khác để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, các địa phương, khẩn trương xây dựng kế hoạch nhu cầu vật liệu thi công xây dựng (bao gồm cát, đá xây dựng đất san lấp) của các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là phương án vật liệu để thi công đường bộ cao tốc (Tân phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương).
Đồng thời, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương liên quan kịp thời xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa,… trong quá trình triển khai các dự án, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh hoặc chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để quy hoạch, cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp đảm bảo đủ vật liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công của các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, tránh tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường (bao gồm cát, đá, đất san lấp). Phối hợp với UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá.
Đặc biệt, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; công tác chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa phục vụ các dự án đầu tư xây dựng và phục vụ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh thực hiện xây dựng kế hoạch, dự kiến nhu cầu vật liệu thi công (bao gồm đất, đá, cát đắp nền) các công trình giao thông được giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư, nhất là vật liệu chuẩn bị đầu tư dự án đường bộ cao tốc (Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương); kịp thời đề xuất bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo đủ nguồn vật liệu san lấp cho nhu cầu của dự án trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các chủ mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường phải khai thác, bán khoáng sản theo trữ lượng giấy phép được cấp; tránh tình trạng không khai thác để tạo sự khan hiếm giả nhằm đẩy giá gia tăng cao hơn mức giá đã được công bố; trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp để xử phạt hoặc xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền tạm dừng, thu hồi giấy phép khai thác mỏ theo quy định.
Có trách nhiệm cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý nếu vượt thẩm quyền các trường hợp cố tình nâng giá, “ép giá”, đầu cơ đất tại các khu vực mỏ trên địa bàn.
Theo Báo Lâm Đồng