Đại diện UTH, PGS.TS.Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng phát biểu, kim chỉ nam của UTH là lấy định hướng phát triển đào tạo và nghiên cứu ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực nhưng gắn kết với yêu cầu cốt lõi của ngành giao thông vận tải. Luôn mang tinh thần đổi mới, sáng tạo, liên tục cập nhật và cải tiến chương trình đào tạo, UTH xác định ô tô điện là sự phát triển tất yếu của tương lai. Tuy nhiên, để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường, hoạt động đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này cần phải được lồng ghép với kiến thức kỹ thuật và công nghệ cốt lõi khác. Cụ thể ở đây, chính là chip, vi mạch và công nghệ bán dẫn. Quan trọng hơn, UTH luôn vạch rõ lộ trình phát triển và định vị thương hiệu giáo dục vi mạch và bán dẫn trong thị phần thẩm định thiết kế ứng dụng trong sản xuất và lập trình phương tiện giao thông thế hệ mới.
Đại diện các bên thảo luận về các cơ hội hợp tác
Cũng tại cuộc họp, ông Stanley Tee – Giám đốc vùng của GOWIN Semiconductor chia sẻ: "Chúng tôi rất ấn tượng với tinh thần thẳng thắn và định hướng cụ thể của UTH. Với GOWIN Semiconductor, chúng tôi tập trung vào hoạt động thiết kế vi mạch với đa dạng ứng dụng, đặc biệt trong hạ tầng đô thị thông minh, viễn thông, dữ liệu đám mây, trung tâm dữ liệu, quản lý vòng đời sản phẩm và y khoa. GOWIN Semiconductor hoàn toàn phù hợp để đồng hành cùng với UTH hoàn thiện chương trình đào tạo về chip và vi mạch. GOWIN cam kết tài trợ các phần mềm, thiết kế tham chiếu vi mạch và nâng cấp hạ tầng phòng thí nghiệm để giảng viên và sinh viên cùng sử dụng và nghiên cứu. GOWIN Semiconductor kỳ vọng UTH sẽ cùng đi xa hơn, mở rộng lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ chip và vi mạch".
Việc hợp tác giữa các bên sẽ giải quyết được bài toán nguồn nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt
Đại diện IC-FPGA, ông Triệu Hiệp Lộc chia sẻ, bài toán về nguồn nhân lực bán dẫn đang càng trở nên hóc búa vì không phải chỉ riêng Việt Nam cần mà cả thế giới cũng đang cần lực lượng lao động tay nghề cao này. Tuy nhiên, chip, vi mạch, bán dẫn là một lĩnh vực rất rộng và mỗi một cơ sở giáo dục đại học khối kỹ thuật cần phải xác định đúng thế mạnh và khả năng để tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực khổng lồ này. Cá nhân ông thật sự ấn tượng với kế hoạch hành động rõ ràng và cụ thể của UTH. Và ông có niềm tin là UTH sẽ thành công. Trong lộ trình của năm 2024, IC-FPGA sẽ cùng UTH tổ chức các chuỗi đào tạo về chip và vi mạch cho đội ngũ giảng viên và thành viên nhóm nghiên cứu STASD. Đồng thời IC-FPGA cùng với GOWIN Semiconductor sẽ tổ chức bàn giao và hướng dẫn sử dụng phần mềm thiết kế và thẩm định chip cũng như các thiết kế tham chiếu cho UTH. Ông cam kết sinh viên ngành chip, vi mạch của UTH sẽ có cơ hội thực tập và đào tạo trực tiếp với chuyên gia không chỉ của GOWIN Semiconductor mà các doanh nghiệp thành viên khác của IC-FPGA.