Mùa xuân trên công trường cao tốc Bắc - Nam

Thứ tư, 07/02/2024 08:45

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, theo chân những kỹ sư, công nhân đang thi công Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021 - 2025), chúng tôi thấm thía câu hát “… dù mồ hôi khăn vải ướt mềm, ngẩng cao đầu sợ chi sương gió…” (Ðời tôi công nhân cầu đường, lời Ðặng Quốc Tuấn, nhạc Phạm Hồng Biển)

Đêm cũng là ngày

Trong lúc nhà nhà, người người đang náo nức, chuẩn bị cho khoảnh khắc vui vầy, sum họp gia đình ngày Tết, thì hàng trăm lao động trên công trường đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh Bình Định vẫn đang tất bật, hối hả như bao ngày bình thường khác.

Hai bên bờ sông Côn - ranh giới hành chính giữa xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn) và xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn) - hiện là công trường xây dựng cầu Sông Côn. Đây sẽ là cây cầu dài nhất Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, với tổng chiều dài cầu 771,4 m.

Theo Ban điều hành gói thầu 12-XL (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8-CTCP - CIENCO8), sau khi được bàn giao mặt bằng, các kỹ sư và công nhân nhanh chóng bắt tay vào thi công. Thời điểm hiện tại, cầu Sông Côn đã hoàn thành phần cọc khoan nhồi. Các kỹ sư và người lao động tiếp tục thi công dầm và mố, trụ cầu.

Công nhân đang thi công cầu vượt Quốc lộ 1
thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh

Trong không khí khẩn trương, gấp rút, các kỹ sư và công nhân tại điểm thi công này đang khẩn trương đúc dầm cầu. Chiếc xe bơm bê tông nổi bật trên công trường với cần bơm cao, dài như cánh tay khổng lồ vươn mình đưa vữa bê tông đến các vị trí chính xác. Bên dưới cần bơm, mỗi người một việc. Họ hối hả theo nhịp bơm vữa một cách thành thục và chuyên nghiệp.

Phụ trách vận hành máy bơm bê tông bằng bộ điều khiển từ xa, anh Vũ Mai Tuấn (30 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Đây là trợ thủ đắc lực tại các công trình giúp việc thi công hiệu quả, đảm bảo tiến độ, tiết kiệm nhân công”. Công việc vận hành máy bơm của anh Tuấn mới nhìn thoáng qua tưởng chừng rất đơn giản, nhẹ nhàng bởi chỉ cần ôm bộ điều khiển từ xa rồi điều khiển cần bơm hoạt động. Nhưng thực tế, đây là công việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm, luôn phải đảm bảo các quy tắc, quy chuẩn nghiêm ngặt trong tất cả các khâu.

Đúc bê tông xong một dầm cầu, các thành viên trong đội thi công đều thở phào vì mọi thứ thuận lợi, đặc biệt là được thời tiết ủng hộ. Trước đó, có những thời điểm thi công phần âm của các cây cầu, mưa lớn, dầm dề nhiều ngày liên tiếp gây khó khăn.

Nhớ lại thời điểm thi công cọc khoan nhồi cho cầu Nhơn Phúc (trên địa bàn xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn), công nhân Phan Hữu Quang (54 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An) kể: Quy trình thi công cọc khoan nhồi rất chặt chẽ, khắt khe, đặc biệt là phần đổ bê tông cho cọc khoan nhồi. Khoan tạo lỗ, đưa lõi sắt xuống độ sâu 25 - 34 m, sau đó là bước đổ bê tông. Yêu cầu về thời gian đổ bê tông cho 1 cọc khoan nhồi không được vượt quá 4 tiếng để đảm bảo cường độ bê tông trong cọc cũng như chất lượng công trình. Bên cạnh đó, việc đổ bê tông phải diễn ra liên tục để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Cứ 1 cọc âm xuống lòng đất, cần đến 3 xe bê tông (12 m3 bê tông/xe). Cầu Nhơn Phúc có 24 cọc khoan nhồi. Trong khi đó, cầu Sông Côn có đến 162 cọc khoan nhồi.

“Cả đội chia làm 2 ca túc trực để đảm bảo tiến độ. Ca 1 từ 6 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút. Ca 2 từ 18 giờ 30 phút đến 6 giờ 30 phút ngày hôm sau. Làm việc không kể đêm hay ngày đã là đặc trưng của dân cầu đường, nhất là khi phải chạy đua với tiến độ. Nếu gặp thời tiết bất lợi thì vất vả, khó khăn sẽ tăng lên gấp bội. Đợt đổ bê tông cọc nhồi, đường lầy lội, xe bồn chở bê tông vào khó khăn, chúng tôi phải nghĩ nhiều cách để hỗ trợ xe, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật…”, ông Quang nói.

Với tinh thần “qua sông bắc cầu, qua ruộng đắp đất, qua núi khoét núi”, hàng nghìn con người cùng với máy móc, thiết bị đang bám mặt đường, gấp rút thi công để cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Định sớm thành hình, thông suốt.

Công trường là nhà

Dọc theo công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Định, nhiều nhà tạm đã được dựng lên để phục vụ việc ăn, ở, sinh hoạt của người lao động thi công công trình. Bên trong mỗi lán trại, nhà tạm, chục chiếc giường được kê sát nhau, là nơi đặt lưng nghỉ ngơi sau ngày dài vất vả với nắng, mưa, bụi đường, vôi vữa, sắt thép. Với công nhân cầu đường, có chỗ nghỉ ngơi, che chở trước nắng mưa như vậy đã là điều quý giá, bởi phần lớn trong số họ xuất thân từ nông thôn, gia đình có kinh tế khó khăn và họ đều hiểu đời sống của công nhân cầu đường vốn như thế.

Trên công trình thi công cầu Sông Côn, tôi gặp một số lao động quê Bình Định. Tỉ mẩn bên những tia lửa hàn, toàn thân bao bịt kín chỉ để hở đôi mắt, công nhân Phạm Văn Hiệp (34 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) kể anh đã 10 năm trong nghề hàn và rong ruổi trên khắp công trình cầu đường. Trước khi thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định, anh Hiệp đã từng tham gia thi công tại cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn đi qua tỉnh Bình Thuận.

“Đi làm công trình như cao tốc, một năm về thăm nhà 2 - 3 lần là đã “ngon” rồi. Lần này về quê thi công, tôi cũng có ý nghĩ là sẽ về thăm nhà được nhiều hơn. Vậy mà, do yêu cầu tiến độ thi công, số lần về thăm nhà vẫn chưa thể nhiều hơn. Thôi thì chấp nhận bởi đặc thù của nghề mình là vậy”, anh Hiệp nói.

Vì phải rong ruổi khắp nơi, quanh năm dãi dầu nắng gió, đất đỏ phủ bạc vai áo, nước da đen sạm, anh thợ trẻ Vũ Mai Tuấn tếu táo: “Nếu có ai hỏi về nghề thì em sẽ nói đừng làm thợ cầu đường chi. Khổ lắm!”.

Thế nhưng, là người đã có hành trình rất dài với nghề, ông Phan Hữu Quang đúc kết: “Nghề nào cũng là duyên, là nghiệp. Cái nghề cầu đường quanh năm đi xa nhà, xem công trường là nhà vất vả thật, nhưng nó nuôi sống mình và gia đình. Nhớ nhà, được về thăm thì mừng lắm, nhưng nghỉ quá dài ngày lại nhớ nghề, chân lại muốn đi. Còn được làm việc là còn vui!”.

Không khí mùa xuân đang dần lan tỏa khắp nơi nơi. Trên công trường tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định, những kỹ sư, công nhân đang cần mẫn lao động. Họ cũng đang vun vén để mở ra một mùa xuân khác - mùa xuân của những cung đường huyết mạch của đất nước.

Đưa đón người lao động về quê ăn Tết

Theo ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc điều hành gói thầu 12-XL kiêm Chỉ huy trưởng phân đoạn do CIENCO8 phụ trách thi công, toàn bộ kỹ sư, người lao động sẽ làm việc cho đến hết ngày 28 tháng Chạp và được nghỉ từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Người lao động sẽ quay trở lại làm việc từ mùng 4 Tết. Trong thời gian nghỉ này, ngoại trừ một bộ phận nhỏ ở lại trực tại công trường, hầu hết kỹ sư, người lao động đều sắp xếp để về quê ăn Tết với gia đình.

“Đơn vị lo phương tiện đi lại cho tất cả anh em về quê đón Tết. Đối với anh em ở các tỉnh phía Bắc, đơn vị đã đặt vé máy bay. Đối với anh em ở các tỉnh khu vực miền Trung, đơn vị thuê xe đưa đón”, ông Luân nói.

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang (27 tuổi, ở tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Được về nhà cùng gia đình đón giao thừa, đi thăm xuân, gặp gỡ bạn bè là điều hết sức quý giá với công nhân cầu đường. Dù thời gian ngắn ngủi nhưng tôi sẽ tận hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, để khi quay trở lại công trường tiếp tục làm việc hết công suất”.

Nguồn: Báo Bình Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:132205
Lượt truy cập: 176.059.364