Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh,
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương,
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường và các đại biểu
thực hiện nghi thức cắt băng khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho biết, việc đưa vào khai thác đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng và là sản phẩm mới, tiếp tục cho những sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, một phân khúc trải nghiệm, du lịch, lịch sử, văn hóa, di sản, độc đáo và thú vị mà Đường sắt Việt Nam đã và đang triển khai.
Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua đèo Hải Vân được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" để đến với Đà Nẵng, nơi sở hữu bờ biển dài được tôn vinh là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Ở chiều ngược lại (Đà Nẵng - Huế), du khách sẽ được đặt chân đến miền đất di sản - Cố đô Huế.
Từ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam - Bắc với một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông.
Đặc biệt với 2 đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng hay buổi chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp nhất, trên hành trình đẹp nhất thế giới.
Chủ tịch HĐTV TCT Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh phát biểu tại buổi lễ
Trong thời gian đầu đưa vào khai thác, đoàn tàu gồm 5 toa xe ghế mềm điều hòa hiện đại và 1 toa xe sinh hoạt cộng đồng hứa hẹn sẽ là điểm check in "di động" ấn tượng đối với du khách.
Tại ga Đà Nẵng và ga Huế, ngành Đường sắt cũng bố trí phòng chờ VIP để phục vụ hành khách. Trên hành trình, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương…
Riêng trong ngày khai trương, đoàn tàu gồm 10 toa xe, trong đó có 2 toa xe cộng đồng, du khách được thưởng thức ẩm thực cùng những màn trình diễn văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Sau khi đến ga Huế và ga Đà Nẵng, ngay khu vực phía trước nhà ga, các địa phương đã bố trí hệ thống xe đạp cho thuê tự động bằng hình thức quét mã QR để thuận tiện cho du khách tham quan các danh lam thắng cảnh.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế còn áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá cho các tổ chức, cá nhân khi tham quan các điểm du lịch tại Huế (áp dụng cho 1 lần cho mỗi vé tàu). Dự kiến, trong tháng 4, đoàn tàu sẽ được trang bị wifi để phục vụ hành khách…
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương trao quà lưu niệm
cho lãnh đạo TCT ĐSVN và lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tại chương trình
Việc đưa vào khai thác đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của UBND 2 thành phố và là sản phẩm mới, mở đầu cho những sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch mà Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian qua Thừa Thiên - Huế đã đồng hành với ngành Đường sắt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đổi mới cách làm, dành sự quan tâm về nguồn lực để phát triển hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng hướng đến thị phần vận tải bằng đường sắt.
Đặc biệt, là vận chuyển hành khách chặng ngắn, liên đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường, với mục tiêu hướng đến là phục vụ du khách du lịch.
"Đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng hành trình "Kết nối di sản miền Trung" cũng là một phương thức đổi mới, từng bước đa dạng hóa các lĩnh vực vận tải giúp người dân và du khách có thêm nhiều sự lựa chọn trong chuyến hành trình trải nghiệm của mình khi đến tham quan, thăm thân, du lịch qua các tỉnh miền Trung, góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ; tạo động lực cho phát triển kinh tế, du lịch theo hướng thân thiện, an toàn, bền vững hơn", ông Phương nhấn mạnh.
Trong ngày khai trương, đoàn tàu gồm 10 toa xe, trong đó có 2 toa xe cộng đồng,
du khách được thưởng thức ẩm thực cùng những màn trình diễn
văn hóa, nghệ thuật đặc sắc
Thưởng thực đặc sản vùng miền
Đây cũng là động lực gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa 2 địa phương nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sẵn có của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương trọng tâm, động lực của khu vực miền Trung.
"Với quan điểm phát triển là mỗi chuyến tàu không chỉ là một trải nghiệm du lịch thú vị cho du khách mà còn là một cơ hội để chúng ta quảng bá văn hóa, lịch sử và con người Huế, Đà Nẵng và các di sản miền Trung ra thế giới", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, để có được đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng trong hành trình "Kết nối di sản miền Trung" là sự nỗ lực, kết nối không ngừng nghỉ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng, các doanh nghiệp du lịch.
"Đây không chỉ là một sản phẩm thiết thực, hấp dẫn giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn là phương án di chuyển an toàn, thoải mái, thân thiện với du khách, giúp giảm áp lực cho lưu thông đường bộ, thu hút khách du lịch quốc tế trong hành trình du lịch di sản 3 địa phương Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đặc biệt là những trải nghiệm tuyệt vời khi thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của cung đường sắt qua đèo Hải Vân", Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ.
Đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng dừng tại ga Lăng Cô
cho du khách check-in, chụp ảnh
Theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh, Đường sắt Việt Nam ra đời đã 143 năm, tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu có mạng lưới 3.143km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 300 khu ga, đa số các khu ga ở trung tâm thành phố, huyện lỵ.
Nhiều khu ga đường sắt được gìn giữ nguyên bản, nhiều tuyến đường đáng để trải nghiệm, trong đó, năm 2023, Tạp chí danh tiếng Leony Playnets đã bình chọn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dài 1.726km là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới.
Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp thẩm quyền, sự phối hợp của chính quyền và nhân dân các địa phương, đang nỗ lực để đổi mới hình ảnh tuyến đường nhà ga, con tàu.
"Ngoài nhiệm vụ vận tải khách, vận tải hàng, chúng tôi còn mong muốn được chia sẻ các giá trị riêng có đến với cộng đồng. Hành trình đi tàu để du lịch, để trải nghiệm, con tàu là điểm "check-in di động", nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản", ông Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ.