Công trình cầu sông Hồng thuộc tuyến đường bộ ven biển đang dần hoàn thiện.
Những công trình điểm nhấn
Kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ven biển tỉnh Thái Bình những năm qua tiếp tục được tăng cường, đầu tư đồng bộ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phải kể đến tuyến đường bộ ven biển và các đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình. Đây chính là những cung đường chiến lược trong hành trình vươn ra biển, chinh phục biển mà Thái Bình quyết tâm thực hiện đúng theo tinh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43km, ngoài 9km của giai đoạn 1; đoạn còn lại trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải có chiều dài trên 34km. Vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19; tác động của tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu và sự thiếu hụt nguồn cung, đến nay tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Thái Bình đang từng bước được hoàn thiện.
Ông Vũ Văn Toản, phụ trách thi công, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh cho biết: Đến nay đã thi công khuôn, nền đường, cống qua đường được gần 29/30km; hoàn thành 10/11 cầu trên tuyến như cầu sông Sinh, cầu Diêm Điền, cầu Trà Lý, cầu Dừa, cầu Sơn Thọ, cầu Lân 1, cầu Lân 2... Riêng công trình cầu sông Hồng bắc qua sông Hồng nối hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) có chiều dài 1.400m với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120m. Tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng, đến nay đã thi công đạt gần 90% khối lượng. Trong đó, thi công hoàn thành các hạng mục mố, trụ cầu; lắp hoàn thiện 23/24 nhịp dẫn; đang triển khai thi công 5 nhịp chính (nhịp đúc hẫng). Tổng giá trị khối lượng thi công trên toàn tuyến hoàn thành khoảng trên 80%.
Một dự án trọng điểm khác đang được tỉnh Thái Bình quan tâm chỉ đạo triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, đó là dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình (tuyến đường trục kết nối). Đây là dự án có quy mô lớn, phân bố trải dài ở địa phận 3 huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương. Với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 2.500 tỷ đồng, dự án được ưu tiên đầu tư tạo tiền đề xây dựng, hình thành, phát triển Khu kinh tế thời gian tới.
Tuyến số 1 chạy theo trục ngang phía Bắc Khu kinh tế Thái Bình, đoạn qua khu công nghiệp Liên Hà Thái và tuyến số 2 chạy từ đường nối Quốc lộ 37B (đoạn đầu cầu Diêm Điền) đến đê biển số 7 tại khu cảng, khu công nghiệp - dịch vụ Thái Thượng cũng đang được triển khai tích cực.
Ông Đoàn Văn Duyên, chỉ huy trưởng thi công tuyến số 1 cho biết: Sau thời gian dài gặp khó khăn, vướng mắc, hạ tầng lưới điện trung thế trên tuyến có chiều dài khoảng hơn 1km đã được tháo gỡ, đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đoạn trên địa phận huyện Tiền Hải đang triển khai thi công 2 tuyến (tuyến số 3 và tuyến số 5). Với tuyến số 3 của dự án dài nhất với 13,07km, theo đánh giá của chủ đầu tư dự án, hiện tiến độ của tuyến số 3 đáp ứng khá tốt với kế hoạch đề ra.
Ông Hoàng Đình Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang - nhà thầu thi công tuyến số 3 cho biết: Nhà thầu đã thi công hoàn thành khuôn đường, đang thi công đắp cát K95 nền đường 11,5/13,07km; cọc cát được 1,5/1,8km; bấc thấm được 8,7/9,72km. Các nhà thầu đang tiếp tục thi công cọc cát và bấc thấm, thi công đắp gia tải nền đất yếu và cấu kiện đúc sẵn. Giá trị xây lắp thực hiện đạt 540/1.582,3 tỷ đồng, khoảng 34% giá trị hợp đồng.
Ngoài 2 công trình trên, tỉnh Thái Bình đang triển khai nhiều công trình giao thông quan trọng để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đón đầu dòng vốn đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Kỳ vọng những tuyến đường mới
Kết cấu hạ tầng giao thông là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Khi kinh tế phát triển sẽ tạo tiền đề nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, Thái Bình quyết liệt triển khai các dự án giao thông liên kết. Những cung đường mới sẽ đem đến nhiều kỳ vọng lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Với tầm quan trọng và tác động to lớn, các dự án giao thông luôn nhận được sự ủng hộ, đồng tình, nhất trí cao của đông đảo người dân.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, thôn An Lộc, xã Trung An (Vũ Thư) phấn khởi khi tuyến đường vành đai phía Nam thành phố qua địa phương được khẩn trương thi công, gấp rút hoàn thành. Ngoài 70 tuổi, chứng kiến sự thay đổi của quê hương, ông Kiểm tin tưởng rằng thời gian tới huyện Vũ Thư nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ khi có đường mới.
Theo Quy hoạch tỉnh, hệ thống đường bộ vẫn là phương thức vận tải chính của Thái Bình trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vì vậy cần đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới đường bộ để nâng cao năng lực khai thác, rút ngắn thời gian tiếp cận đến các đầu mối giao thông lớn của tỉnh, của vùng và quốc gia; tập trung phát triển mạng lưới đường bộ đầy đủ các cấp đường dựa trên 2 hướng kết nối chính: kết nối với vùng Thủ đô Hà Nội (thông qua ĐT.454, QL.39, QL.39B, CT.16 và CT.39) và kết nối với vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình) và vùng duyên hải Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (thông qua ĐT.467, QL.10, QL.37, đường ven biển Thái Bình và đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng).
Ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Bám sát mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh, thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh và chủ trì phối hợp với các ngành thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, trong đó đầu tư các tuyến đường trọng điểm, trục chính kết nối với các tỉnh lân cận. Theo đó, trên địa bàn tỉnh trong tương lai hình thành 3 tuyến cao tốc là Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đường vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến cao tốc CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế ven biển - thành phố Thái Bình với vùng kinh tế phía Tây Bắc Thủ đô và các vùng kinh tế miền Trung, miền Nam.
Với những dấu ấn, điểm nhấn về hạ tầng giao thông thời gian qua, Thái Bình sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, bắt kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với khối lượng công việc, nhiệm vụ về giao thông lớn và nhiều khó khăn, các cấp, các ngành nỗ lực, quyết tâm để đưa các dự án, công trình sớm được triển khai, xây dựng./.