Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ nhật, 05/05/2024 19:54

Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi,

toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ

"Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries.

(Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cách đây 70 năm, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đặt một dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều nguyên nhân, trong đó, công tác chuẩn bị và tạo lập thế trận là một trong những nguyên nhân quan trọng, quyết định và trở thành nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Giành thế chủ động trên chiến trường

Phân tích về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Phạm Đức Lâm, Phó giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) nêu rõ, chỉ đạo chiến tranh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo phương thức chiến tranh nhân dân Việt Nam, thực hiện “kháng chiến toàn dân, toàn diện” để đánh thắng một đế quốc sừng sỏ, có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn loại hình chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy đã trở thành nét đặc sắc về cách đánh của chiến tranh nhân dân, từ đó tạo ra thế trận tác chiến rộng khắp, đánh địch với nhiều loại hình, quy mô: từ đánh nhỏ, lẻ của lực lượng vũ trang địa phương, du kích trong vùng tạm chiếm, đến đánh tập trung của các binh đoàn chủ lực ở những địa bàn chiến lược lựa chọn.

Thực tế, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ súng, ta đã tổ chức một số đơn vị chủ lực “nhỏ” và “tinh” đánh vào các hướng địch yếu nhưng hiểm, tiêu diệt lực lượng địch tại chỗ và giải phóng một số địa bàn chiến lược, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động ra các hướng để đối phó. Đồng thời, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích rộng khắp trên phạm vi cả nước với các hoạt động tác chiến của đơn vị chủ lực cấp sư đoàn, trung đoàn trên một số chiến trường, ta đã thành công trong việc kìm giữ, giam chân một số đơn vị chủ lực địch.

Sức mạnh của lực lượng cách mạng được nhân lên bằng chiến lược chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc và của thời đại. Trên chiến trường đã diễn ra một sự phối hợp quy mô rộng lớn, lực lượng vũ trang và nhân dân ta vừa chiến đấu trên mặt trận chính diện, vừa chiến đấu trên các mặt trận phối hợp sau lưng địch.

Để giành thế chủ động trên chiến trường, qua phân tích, đánh giá chỗ mạnh, yếu của ta và địch, thì phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” ta sẽ gặp điều bất lợi rất lớn, đó là: quân đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm. Vì vậy, “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không nắm chắc được phần thắng lợi. Do đó, ta kiên quyết chuyển phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc” để tận dụng thời gian làm chuyển hóa lực lượng.

Thực dân Pháp dựa vào lực lượng quân sự mạnh, chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh.” Ta chủ trương “trường kỳ kháng chiến” để phát triển lực lượng, phá tan âm mưu của địch. Với tư tưởng và quyết tâm đánh chắc thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh, một nguyên tắc cơ bản trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam.

ttxvn_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_0505_2.jpg

Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. (Ảnh: TTXVN)

Về mưu lược, ta thực hiện “dĩ nhu xử cương.” Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có hỏa lực pháo binh, cơ giới và không quân mạnh, để giảm hỏa lực của đối phương, phát huy sức mạnh hỏa lực của ta, ta phải tổ chức xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây, tạo điều kiện cho bộ đội ta triển khai và vận động dưới hỏa lực của đối phương; pháo binh của ta vận chuyển được vào gần để khống chế sân bay; pháo cao xạ đối phó có hiệu quả với không quân Pháp.

Bằng chiến thuật trên, ta đã ngăn chặn và đi đến triệt nguồn tiếp tế, chi viện của chúng, làm cho quân Pháp không phát huy được ưu thế của quân đội nhà nghề, trang bị vũ khí hiện đại.

Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, một nhân tố đặc biệt quan trọng khác đó là công tác chỉ huy tham mưu tác chiến, trong đó Cục Tác chiến - Cơ quan trung tâm hiệp đồng đã tập trung làm tốt vai trò của cơ quan tham mưu, tác chiến chiến lược, chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, tổ chức xây dựng kế hoạch tác chiến phù hợp, chuẩn bị tác chiến chu đáo, cụ thể, tỉ mỉ, mưu trí, sáng tạo tham mưu cho Bộ Tư lệnh chiến dịch tổ chức chỉ huy tác chiến liên tục.

Với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh và tận dụng được lợi thế của địa hình, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ chỉ huy Pháp coi đó là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng.”

Trên cơ sở phân tích âm mưu của địch và khả năng của ta, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương, kế hoạch tác chiến chiến lược Đông-Xuân 1953-1954: sử dụng một bộ phận chủ lực mở các chiến dịch tiến công vào những hướng địch sơ hở nhưng hiểm yếu, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược để đối phó, tạo thời cơ cho ta tập trung lực lượng tiêu diệt địch trên các hướng có lợi nhất; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các vùng đồng bằng sau lưng địch, tranh thủ cơ hội tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch nếu chúng đánh vào vùng tự do của ta.

Thực hiện kế hoạch chiến lược, từ cuối năm 1953 đến tháng 5/1954, lực lượng chủ lực ta đã tiến hành các chiến dịch tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương: chiến dịch Lai Châu, chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia; chiến dịch Bắc Tây Nguyên và chiến dịch Thượng Lào... Do đánh vào các hướng hiểm yếu và phối hợp chặt chẽ với hoạt động của quân và dân ở các vùng sau lưng địch, ta đã tiêu diệt những bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn, làm đảo lộn thế bố trí lực lượng của địch, buộc chúng phải xé lẻ khối cơ động chiến lược. Trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, 9/10 trong tổng số 82 tiểu đoàn cơ động chiến lược và chiến thuật của Nava đã bị phân tán.

Từ việc xác định quân Pháp đưa quân chiếm giữ Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định: Tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng Tây Bắc, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh. Chiến dịch mang mật danh “Trần Đình.”

Bằng việc chủ động điều chỉnh phương pháp tác chiến, chuẩn bị tác chiến chu đáo, cụ thể, tỉ mỉ, kết quả, sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc chiến tranh.

Chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp

Thiếu tướng Lê Văn Đãng, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu cho rằng, về nghệ thuật quân sự, chiến dịch Điện Biên Phủ là đòn quyết chiến chiến lược, là chiến dịch tiến công trận địa có quy mô lớn nhất của ta trong kháng chiến chống Pháp. Lần đầu tiên, ta tập trung một lực lượng lớn chủ lực tiêu diệt địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ.

Để đi đến thắng lợi, chúng ta đã giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, mà đặc điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế thế mạnh của chúng về quân số đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.

ttxvn_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_0505_3.jpg

Với kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc," quân ta kéo pháo lên núi cao,

đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù để tấn công,

nâng cao được uy lực, mức chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Về chiến lược, ta đã phá được kế hoạch tập trung khối cơ động mạnh của Nava, làm đảo lộn thế bố trí của địch trên các chiến trường, tạo ra một điểm quyết chiến chiến lược ở chiến trường có lợi để tập trung sức mạnh giành thắng lợi quyết định cho cuộc chiến tranh.

Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã sớm hình thành thế bao vây, tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của địch; tập trung ưu thế về binh, hỏa lực, đánh chắc thắng tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, “bóc vỏ” từ ngoài vào, từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu nhất của địch, giành thắng lợi quyết định.

Về chiến thuật, cách đánh công kiên của bộ đội ta được hình thành và phát triển từ đánh cụm cứ điểm trong chiến dịch Tây Bắc (1952), đến đánh tập đoàn cứ điểm trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã tổ chức thành công các trận công kiên hiệp đồng binh chủng lớn, sử dụng các loại pháo lớn bố trí ở những trận địa kiên cố, thực hành pháo hỏa chuẩn bị, chế áp các trận địa pháo binh địch, chi viện trực tiếp tạo điều kiện cho bộ binh xung phong; tiến hành các trận chiến đấu phòng ngự trận địa dài ngày, giữ vững trận địa mới chiếm để tạo bàn đạp cho trận tiến công tiếp theo; sáng tạo ra cách đánh vây lấn, một hình thức phát triển của chiến đấu công kiên trong điều kiện ta tiến công trực tiếp tiếp xúc với địch khi so sánh lực lượng chưa cho phép đánh lớn diệt địch ngay.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết quả của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, biết tận dụng thời cơ biến khó khăn thành thuận lợi để giành thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Ngày nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu sâu, kỹ hơn về giá trị lịch sử, nghệ thuật quân sự trong tổ chức chuẩn bị và điều hành tác chiến, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:56992
Lượt truy cập: 175.734.627