Có nhiều nhân tố làm nên chiến thắng vĩ đại đó, trong đó quyết định hoãn kế hoạch tấn công, kéo pháo ra, thay đổi phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định lịch sử, quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trực tiếp góp phần quan trọng làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trận địa 12,7mm bắn máy bay địch tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Gửi trọn niềm tin
Khi phát hiện các đơn vị chủ lực của ta di chuyển lên Tây Bắc, phán đoán hướng tiến công chủ yếu của ta trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 là Tây Bắc, tướng Nava vội cho quân Pháp đánh chiếm Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành “một tập đoàn cứ điểm mạnh”, “một pháo đài khổng lồ không thể công phá”.
Bộ Chỉ huy quân Pháp tin rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một giải pháp chiến lược quân sự mầu nhiệm. Họ không hề biết rằng sau đợt một của Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, vấn đề đặt ra với Bộ Thống soái Việt Nam và riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là tiến công hay không tiến công mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy? Không đánh bại được hình thức phòng ngự chiến lược mới này của quân Pháp thì cũng tức là không mở được một cục diện thuận lợi cho cuộc kháng chiến phát triển. Đó chính là quyết tâm không lay chuyển và cũng là niềm tin của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông rời căn cứ Việt Bắc hành quân ra tiền tuyến.
Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?” Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh"[1]. Đó là sự gửi trọn niềm tin của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào một vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Nơi tỏa sáng tài năng quân sự kiệt xuất
Do tình hình lúc đầu binh lực của địch còn hạn chế, trận địa phòng ngự của địch còn sơ sài; bộ đội ta sau chỉnh huấn chính trị và học tập kỹ thuật, chiến thuật mới đang sung sức, xét thấy có nhiều điều lợi nên Trung ương và Tổng Quân ủy xác định phương châm tác chiến của chiến dịch là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Theo kế hoạch tác chiến phổ biến tại Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 14-1-1954, thì ngày 20-1-1954, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, do đài kỹ thuật của Sở Chỉ huy phát hiện địch thông báo cho nhau về ngày giờ nổ súng của ta, lại nhân chưa tìm được lời giải của bài toán về cách đánh, đặc biệt là phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định lui thời gian mở màn chiến dịch đến chiều 26-1-1954.
Ngày 26-1-1954 đã tới, cũng tức là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trải qua nhiều ngày không trọn giấc. Lúc này, ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã dồn lên chiến trường Điện Biên Phủ. Nếu chiến dịch không thắng, hơn bốn đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao của ta tại Hội nghị Giơnevơ sẽ như thế nào?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh và nói lên suy nghĩ của mình. Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ ý định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và nhận được sự đồng tình của đồng chí Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. Đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, thể hiện trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân và trước tính mạng của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, xứng đáng với sự tin cậy của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như toàn quân và toàn dân ta.
Trong buổi họp Đảng ủy Mặt trận ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vai trò là Bí thư Đảng ủy Mặt trận nhắc lại tinh thần của Trung ương Đảng, nhắc lại Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đề nghị các đồng chí Đảng ủy viên hãy vì trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và quân đội, trả lời một câu hỏi cốt lõi lúc này là đánh như vậy có 100% chắc thắng hay không? Trải qua vài giờ trao đổi với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy Mặt trận thấy rằng, thay đổi kế hoạch tác chiến sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không thể vì những khó khăn trở ngại do chiến dịch có thể kéo dài mà chọn một cách đánh không bảo đảm thắng lợi. Đảng ủy nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo "đánh chắc thắng" của Trung ương.
Kết thúc buổi họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu, lãnh đạo các đơn vị phải đồng tâm nhất trí thay đổi cách suy nghĩ và hành động cho phù hợp với tình hình mới. Đại tướng sẽ thay mặt Đảng ủy Mặt trận báo cáo và đề nghị Trung ương động viên hậu phương dốc toàn lực cùng bộ đội ở tiền tuyến khắc phục mọi khó khăn để giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch[2].
Nhớ về sự hình thành quyết định lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhấn mạnh: “Ngay sau khi có quyết định thay đổi cách đánh, tôi xin ý kiến của Bác và anh Trường Chinh. Cũng như sự tin cậy của Trung ương đã giao phó trước khi vào chiến dịch. Tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn”[3].
Nhờ chuyển phương châm kịp thời vào trước giờ nổ súng, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, dân tộc Việt Nam đã giành toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng này đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương và đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới, đi vào lịch sử Việt Nam là một thiên tài quân sự, một Anh hùng dân tộc.
Lịch sử mãi khắc ghi
Thời gian đã lùi xa, nhưng quyết định hoãn kế hoạch tấn công, kéo pháo ra, thay đổi phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” mãi được lịch sử khắc ghi. Mười năm sau nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1964), Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được nghe một số cán bộ Đại đoàn nói thực với ông về ý nghĩ của mình. Và cũng chỉ đến khi đó ông mới biết rằng trong Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 14-1-1954, cán bộ thuộc quyền đều cảm thấy nhiệm vụ quá nặng, cụ thể là lo phải đột phá liên tục, trận đánh kéo dài, không giải quyết được vấn đề thương binh và tiếp tế.
Cũng chỉ khi đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nghe được đồng chí Vương Thừa Vũ nói rằng: “Nếu theo phương châm đánh nhanh thì cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ kéo dài thêm 10 năm”. Còn đồng chí Lê Trọng Tấn khẳng định: “Nếu đánh như vậy thì chúng tôi đã không còn có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”[4].
Đại tá Nguyễn Minh Phương, nguyên Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Chiến dịch Biên Giới năm 1950 đến sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, khẳng định: “Tư duy chiến lược cực kỳ xuất sắc của Đại tướng là một nhân tố quyết định góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ”[5]. Sự kiện đó đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành tượng đài trong lòng nhân dân!
*
* *
70 năm đã trôi qua, quyết định đặc biệt quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được coi là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại nhiều ý nghĩa và kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đặc biệt là đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về quân sự, quốc phòng cũng như những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, góp phần làm sáng tỏ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, đặc biệt là vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng!
_______
[1] Võ Nguyên Giáp, Thế giới còn thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr.79.
[2] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bài học và giá trị lịch sử, Điện Biên Phủ, tháng 3 năm 2009.
[3] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2 năm 1994, tr.8.
[4] Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Tư lệnh Quân khu II, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bài học và giá trị lịch sử, Điện Biên Phủ, tháng 3-2009, tr.8.
[5] Tướng Giáp với những vũ khí bí mật làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Thanh niên, ngày 10-10-2013.