Sự vận dụng các hình thức chiến thuật của quân đội ta sau 5 ngày đầu đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ bẩy, 27/04/2024 16:38

Sau các trận đánh ở cứ điểm A1 và 105 không thành công, ngày 4- 4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lệnh Đại đoàn 308 trao lại nhiệm vụ phòng ngự trên đồi A1 cho Trung đoàn 174.

Trung đoàn 174 để lại một bộ phận nhỏ, củng cố vững chắc công sự, bảo vệ phần đồn đã chiếm được, tích cực chuẩn bị cho đợt tiến công sau này, còn đại bộ phận rút ra ngoài. Ngày 8 tháng 4, quân Pháp tăng viện từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ tiểu đoàn dù thứ tư. Sáng ngày 9 tháng 4, quân Pháp tổ chức phản kích vào cứ điểm C1. Trận đánh diễn ra ác liệt kéo dài 4 ngày, đêm. Quân ta dựa vào công sự phòng ngự, nhiều lần đánh lui các đợt xung phong của địch. Địch dựa vào thế trận còn mạnh của trung tâm đề kháng đồi A1 và đồi C2 cố đẩy quân ta ra khỏi C1. Quân ta chiến đấu rất dũng cảm, nhưng chỉ giữ được nửa phía Đông cứ điểm, quân Pháp chiếm nửa phía Tây C1.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm: “Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch, chiếm thêm một số vị trí có lợi, đưa trận địa tiến công và bao vây gần địch hơn nữa, thắt chặt thêm vòng vây, đánh chiếm sân bay, đạt tới mục đích triệt hẳn tiếp tế và tăng viện của địch, uy hiếp chúng mạnh hơn nữa(1).

Sự vận dụng các hình thức chiến thuật của quân đội ta sau 5 ngày đầu đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bộ đội ta tấn công cứ điểm của Pháp tại sân bay Mường Thanh

trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 4-1954). Ảnh tư liệu/ TTXVN 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ còn lại của đợt 2, Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị:

Thứ nhất, tăng cường xây dựng trận địa tiến công và bao vây, thực sự coi đó là quá trình chiến đấu quyết liệt với địch. Trận địa ta càng vào gần, vòng vây càng khép chặt, địch sẽ càng ngoan cố đối phó. Chúng sẽ phản kích nhiều lần, bằng bộ binh có cả xe tăng, pháo binh và không quân chi viện để chiếm lại những khu vực đã mất. Vì vậy, ta phải có trận địa tốt để bao vây và trụ bám đánh địch phản kích, phải bố trí lực lượng thích hợp, có kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ giữa binh lực và hỏa lực; tổ chức đánh tiêu diệt xe tăng, đánh đến đâu giữ chắc đến đó.

Thứ hai, khống chế không phận Điện Biên Phủ bằng mọi thứ hỏa lực, suốt cả ngày lẫn đêm, tổ chức tranh đoạt dù tiếp tế và tiếp viện đường không, làm mất chỗ dựa chủ yếu còn lại của địch, đẩy chúng vào tình trạng ngày càng nguy khốn.

Thứ ba, tổ chức những bộ phận nhỏ, những tổ bắn tỉa, những đội hỏa lực cơ động đến gần địch, thực hiện tiêu hao rộng rãi, làm cho địch mất dần sức chiến đấu, hoang mang cao độ.

Thứ tư, chiếm bằng được một số vị trí có lợi, đưa trận địa tiến công vào gần, thắt chặt dần vòng vây. Những trận đánh gần khu trung tâm không chỉ đơn thuần là đánh chiếm mà đều là những trận đánh điểm, đánh địch phản kích, một hình thức đánh điểm diệt viện hoặc đánh điểm chặn viện.

Thực hiện chủ trương và cách đánh do Bộ Chỉ huy và cơ quan chiến dịch hướng dẫn, các đơn vị đã xây dựng trận địa tiến công và bao vây trên tất cả các hướng, ngày càng tiến gần địch, có nơi chỉ cách địch từ 10m đến 15m. Các khu vực đã chiếm được như đồi E và D1 trở thành các cứ điểm phòng ngự vững chắc của ta, có cả trận địa bắn của sơn pháo và súng cối thường xuyên uy hiếp địch. Ngày 16 tháng 4, chiến hào của Đại đoàn 312 nối liền với Đại đoàn 308, cắt đôi sân bay Mường Thanh.

Ngày 18 tháng 4, mọi công tác chuẩn bị của Quân ta hoàn thành, nhiệm vụ tác chiến của đợt 2 tiếp tục được quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi.

Ở phía Bắc sân bay Mường Thanh, đêm 16 tháng 4, trận địa Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 từ bốn phía phát triển sát cứ điểm 105 của địch, có nơi cách hàng rào địch 15m. Quân địch bị ta giam chặt không còn đường tiếp tế, không có nước uống, trong khi đó, các tổ bắn tỉa của ta sẵn sàng nổ súng tiêu diệt những tên ra khỏi chiến hào. Hỏa lực ĐKZ ta bắn sập 15 ụ súng địch ở tiền duyên. Đêm 17 tháng 4, các đường hào của quân ta đã lách vào bên trong các lớp rào bao quanh cứ điểm 105 địch. Việc đào trận địa vây ép đã tạo điều kiện cho bộ đội đánh lấn tiêu diệt cứ điểm địch. Đêm 18 tháng 4, Trung đoàn 165 tiến công xóa sổ cứ điểm 105 - cứ điểm bảo vệ phía Bắc sân bay Mường Thanh. Sáng 19 tháng 4, địch cho quân phản kích bị Đại đoàn 308 chặn đánh quyết liệt buộc phải quay lại.

Ở phía Tây, Trung đoàn 36 xây dựng trận địa vây ép đánh lấn cứ điểm 206. Trung đoàn 88 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh bắt liên lạc được với Trung đoàn 141 đang tiến vào sân bay từ phía Đông.

Đêm 17 tháng 4, ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 đã vây bọc kín cứ điểm 206, Trung đoàn 88 đưa đường hào vào sát sân bay Mường Thanh. Đêm 22 tháng 4, sau ba ngày vây ép đánh lấn, Trung đoàn 36 tiến công diệt gọn cứ điểm 206 của quân Pháp. Ngày 24 tháng 4, quân Pháp tung tiểu đoàn dù lê dương số 2 cùng 5 xe tăng có pháo binh, không quân yểm trợ mở đợt phản kích quyết liệt nhằm đẩy bật quân ta ra khỏi cứ điểm 206 và khu vực sân bay Mường Thanh. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co suốt ngày 24. Không quân địch dội xuống khu vực này trên 600 quả bom, hòng hủy diệt quân ta. Ta phải yêu cầu lựu pháo 105mm bắn thẳng vào trận địa đối phương mới đẩy lùi được cuộc phản kích ác liệt của quân Pháp.

Ở phía Đông, các đơn vị Đại đoàn 316 cũng nỗ lực vào củng cố, giữ vững các vị trí mới đánh chiếm được và xây dựng trận địa tiến công cứ điểm C2 và A1. Ngay từ ngày 9 tháng 4, Đờ Cát đã huy động một tiểu đoàn có xe tăng và hỏa lực mạnh yểm hộ mở cuộc phản kích quyết chiếm lại đồi C1. Lực lượng phòng ngự Trung đoàn 98 liên tiếp bẻ gãy 3 đợt xung phong của quân Pháp. Đến trưa ngày 10 tháng 4, quân Pháp chiếm được một phần đồi C1. Đêm 11 tháng 4, quân ta tiếp tục phản kích, nhưng vẫn không thể chiếm được khu vực Cột Cờ. Đồi C1 bị chia làm đôi, ta và địch mỗi bên chiếm giữ một nửa. Cùng với tiến công đồi C1, Trung đoàn 98 tranh thủ tổ chức lực lượng xây dựng trận địa vây lấn cứ điểm C2. Ba mũi hào của quân ta từ các hướng đông và đông bắc phát triển dần vào cứ điểm C2. Tới cuối tháng 4, có mũi hào của ta đã vào cách hàng rào cứ điểm C2 khoảng 50m.

Tại khu vực đồi A1, cuộc đọ sức giữa hai bên diễn ra giằng co, quyết liệt suốt tháng 4 năm 1954. Trung đoàn 174 kiên cường trụ bám trận địa trước những đợt phản kích lớn khốc liệt của quân Pháp. Để chuẩn bị cho đợt tiến công mới, quân ta tổ chức đào một đường hầm xuyên sâu vào lòng đồi A1, dưới hầm ngầm của địch để đặt khối thuốc nổ lớn, sẵn sàng cho trận đánh tiêu diệt A1.

Suốt những ngày tiến công mãnh liệt này, quân ta vừa tổ chức vây hãm, đánh lấn vừa tổ chức bắn máy bay, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của quân Pháp khiến cho chúng hoang mang lớn. Lực lượng pháo cao xạ Đại đoàn 351 cùng các đơn vị súng máy phòng không của các đại đoàn bộ binh ta tạo thành lưới lửa khống chế bầu trời Điện Biên Phủ trong tầm cao từ 3km trở xuống. Tính đến giữa tháng 4, quân ta bắn hạ 50 máy bay của Pháp(1). Riêng trung tuần tháng 4, quân ta bắn rơi 8 máy bay và bắn hỏng 47 chiếc khác. Không quân Pháp buộc phải thả dù tiếp tế từ độ cao trên 3km nên 1/3 số dù rơi vào khu vực trận địa quân ta. Quân ta thu được khá nhiều đạn các loại, nhất là đạn pháo 105mm, đạn cối 120mm, 81mm cùng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Trong vòng 15 ngày, tại khu vực Hồng Cúm, Trung đoàn 57 đã đoạt được của địch 120 tấn đạn và lương thực (2).

Trên khắp mặt trận Điện Biên Phủ, phong trào “săn Tây, bắn tỉa” phát triển mạnh mẽ, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và căng thẳng hoang mang. Riêng nửa cuối tháng 4 năm 1954, Trung đoàn 57 bắn tỉa diệt 100 tên, Đại đoàn 312 diệt 110 tên và làm bị thương 44 tên khác. Các đại đoàn 308, 316 cũng đạt được kết quả tốt.

Đứng trước những khó khăn lớn trên chiến trường Điện Biên Phủ, thực dân Pháp tìm mọi cách bổ sung lực lượng, vũ khí, trang bị hòng cố giữ Điện Biên Phủ đến cùng. Tướng Na-va cho thả thêm hai tiểu đoàn dù xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ. Đồng thời, từ tháng 4, Bộ Chỉ huy Pháp tổ chức cầu hàng không vận chuyển bằng 29 máy bay cỡ lớn của Mỹ (Pác-két C119) do phi công Mỹ lái, chuyên chở gấp 3.200 tấn hàng cho Điện Biên Phủ. Lực lượng không quân Pháp ở Đông Dương cũng được huy động tối đa vào đánh phá các trận địa, tuyến vận chuyển của ta từ hậu phương lên Điện Biên Phủ và đảm bảo tiếp tế cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Về phía ta, sau những trận chiến đấu ác liệt, cũng gặp nhiều khó khăn về quân số, đạn, nhất là đạn lựu pháo 105mm; thiếu lương thực, thực phẩm; mưa đầu mùa đã cản trở vận chuyển cơ giới; tuyến tải bị quân Pháp đánh phá dữ dội; tâm lý ngại hy sinh, ác liệt, ngại khó, ngại khổ, mệt mỏi kéo dài.

Ngày 19 tháng 4 năm 1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết về tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để giành toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghị quyết nêu rõ: “Hai đợt tiến công của ta ở Điện Biên Phủ đều thắng lợi, tạo ra những thuận lợi căn bản cho quân ta hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng vì một số cán bộ mắc khuyết điểm, chủ quan, khinh địch, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu, đại khái, cho nên đã gây ra ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế một phần thắng lợi”(1) của quân và dân ta.

“Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất lớn đối với trong nước và thế giới, ta phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này. Vì vậy, các cấp chỉ huy và toàn thể cán bộ phải nhận rõ những thắng lợi của hai đợt tiến công vừa qua, nhận rõ khả năng của quân đội và nhân dân ta hiện nay có thể thắng địch, đồng thời phải nhận rõ những khó khăn của ta. Ra sức đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước bộ đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ giành toàn thắng cho chiến dịch”(1).

Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị, từ cơ quan Chính phủ đến Khu ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính các cấp thuộc: Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã động viên nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tình nguyện vào bộ đội, tự nguyện đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến. Trong ba ngày, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 4, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức Hội nghị các đồng chí Bí thư Đại đoàn ủy và các đồng chí phụ trách các tổng cục tại mặt trận. Hội nghị chủ trương kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xây dựng tinh thần tích cực cách mạng, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh bảo đảm toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sự vận dụng các hình thức chiến thuật của quân đội ta sau 5 ngày đầu đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ
Bộ đội ta tấn công sân bay Mường Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN 

Như vậy, đến cuối tháng 4 năm 1954, tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ diễn biến ngày càng khẩn trương, quyết liệt. Quân Pháp cố gắng cao nhất, tìm mọi cách phản kích quyết liệt hòng xoay chuyển tình thế trên chiến trường, nhưng không cải thiện được sự nguy khốn ở Điện Biên Phủ. Vòng vây của quân ta ngày càng khép chặt, phạm vi chiếm đóng của quân Pháp mỗi bề chỉ còn lại 1,3km đến 1,7km; 37 đại đội còn lại của quân Pháp phải đóng rải giữ 32 cứ điểm. Việc thả dù tiếp tế của không quân Pháp cho Điện Biên Phủ trở lên vô cùng khó khăn trước lưới lửa phòng không hữu hiệu của ta; lương thực, thực phẩm, đạn, thuốc chữa bệnh khan hiếm. Tuy nhiên, quân Pháp vẫn giữ được các vị trí then chốt ở phía đông, lực lượng còn mạnh, quyết tâm giành giật với ta bằng các cuộc phản kích; dùng không quân đánh phá các trận địa và đường vận chuyển của ta. Phía quân ta, bằng thế trận vây ép đánh lấn đẩy quân Pháp ngày càng vào tình thế khó khăn cùng cực, nhưng chưa dứt điểm được các vị trí then chốt ở phía đông và cũng gặp nhiều khó khăn.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN QUYỀN    

 


1 . Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tập VI, Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, kháng chiến kết thúc thắng lợi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr. 271.

1 . Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.513.

2 . Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tập V, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr.246.

1 . Nghị quyết cuộc họp Bộ Chính trị ngày 19 tháng 4 năm 1954 Về tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, dẫn theo: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tập VI, Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, kháng chiến kết thúc thắng lợi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr. 279.

1 . Nghị quyết cuộc họp Bộ Chính trị ngày 19 tháng 4 năm 1954 Về tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, dẫn theo: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Sđd, tr.279.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:92785
Lượt truy cập: 176.051.778