Khu vực bến thủy Khu công nghiệp An Hiệp (Châu Thành)
Đánh giá điều kiện
Theo đánh giá các điều kiện phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics tại tỉnh vào năm 2021: “Cơ sở hạ tầng bến cảng (tại tỉnh) có quy mô nhỏ, chủ yếu sử dụng để xếp dỡ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của đơn vị, chưa phát huy, kết hợp được lợi thế của từng phương thức vận tải, nhất là vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, giữa đường bộ và đường thủy. Thời gian qua, công tác tham mưu đề xuất, kêu gọi đầu tư khai thác, phát huy thế mạnh của giao thông vận tải thủy còn hạn chế”.
“Đề án số 05-ĐA/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án số 05-ĐA/TU) nêu rõ: Logistics là quá trình hoạch định, thực hiện và kiểm soát sự lưu thông và tích trữ một cách hiệu quả, tối ưu các loại hàng hóa, nguyên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm, dịch vụ và thông tin đi kèm từ điểm khởi đầu tới điểm kết thúc, nhằm mục đích đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Dịch vụ logistics được cung cấp, gồm 17 mục: dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay; dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải; dịch vụ chuyển phát; dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa...
Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải tại tỉnh gặp khó khăn về nguồn vốn. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế như: Hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư đồng bộ. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển dịch vụ logistics. Các dịch vụ liên quan đến logistics được cung cấp hầu như còn nhỏ lẻ. Chưa hỗ trợ được nhiều cho chủ hàng. Trong khi đó, chi phí dịch vụ lại khá cao, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao; nguồn hàng hóa không tập trung, hệ thống kho, giao nhận, vận chuyển và phân phối còn rất hạn chế.
Đề án số 05-ĐA/TU ra đời, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. Bởi kết cấu hạ tầng là một bộ phận của cơ sở vật chất kỹ thuật trong nền kinh tế quốc dân, có chức năng đảm bảo những điều kiện cần thiết cho quá trình sản xuất, tái sản xuất mở rộng, được diễn ra bình thường và liên tục.
Nỗ lực chuyển biến
Trong 3 năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU. Kế hoạch vốn bố trí cho các công trình, dự án 13.564,1 tỷ đồng (Các công trình, dự án đã hoàn thành 3.863,8 tỷ đồng. Các công trình, dự án đang thi công 9.700,3 tỷ đồng).
Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Dự án nâng cấp quốc lộ (QL) 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày; Dự án nâng cấp ĐT.883 giai đoạn 2 (nay là QL.57B) đoạn từ đường vào cầu Rạch Miễu đến Khu công nghiệp (KCN) Giao Long; Dự án cầu Rạch Miễu 2; Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; Đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú (dự án ĐH.17)...
Hiện phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến phát triển 7 KCN, với tổng diện tích 1.372ha và 14 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 918ha. Trong đó, 2 KCN và 4 CCN đã đầu tư đi vào hoạt động, gồm: KCN Giao Long, KCN An Hiệp; CCN Phong Nẫm, CCN Thị trấn - An Đức, CCN Long Phước, CCN Tân Thành Bình. Các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn, nhằm phát triển các CCN trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics còn được tỉnh quan tâm thông qua các công trình, dự án do tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chủ trì như: Xây dựng cầu Mỏ Cày trên kênh Mỏ Cày thuộc Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam). Công trình do Ban Quản lý các dự án đường thủy (đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư) đã tổ chức khởi công dự án vào ngày 6/1/2024. Nạo vét luồng kênh Chợ Lách, xây dựng kè bảo vệ bờ, xây dựng cầu Chợ Lách 2, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường thủy, cống thoát nước và các đường dân sinh dọc theo tuyến kênh Chợ Lách (thuộc Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam), đang được Ban Quản lý các dự án đường thủy triển khai các bước thủ tục đầu tư.
Sau 3 năm thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU, hạ tầng cảng, bến cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ KCN, CCN của huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục mời gọi nhà đầu tư phát triển thêm hạ tầng cảng, bến để phục vụ các KCN, CCN đang được xây dựng và quy hoạch phát triển.
Đề án số 05-ĐA/TU của Tỉnh ủy Bến Tre còn hàng loạt công trình, dự án sẽ tiếp tục được tập trung thực hiện như: Dự án tuyến đường ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh, Dự án xây dựng cầu Đình Khao kết nối Vĩnh Long và Bến Tre. Nghiên cứu sớm triển khai các công trình, dự án: Nâng cấp, mở rộng cảng Giao Long. Cảng, bến hàng hóa kết hợp du lịch Rạch Miễu (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành). Nâng cấp, mở rộng QL.60 theo quy hoạch quốc gia được phê duyệt, gồm: Xây dựng mới cầu Hàm Luông. Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (CT33)...
Theo Báo Đồng Khởi