Công bố đưa vào khai thác các điểm đón, trả khách cho các tuyến vận tải cố định, tạo thuận lợi cho hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…
Phương tiện lưu thông qua cầu Rạch Miễu
Tăng cường công tác quản lý
Bên cạnh đó, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera gắn trên các xe ô tô, kết hợp nắm bắt tình hình để xác định các trường hợp vi phạm “xe trá hình tuyến cố định”; từ chối việc cấp đổi phù hiệu kinh doanh vận tải đối với các trường hợp xe hợp đồng thường xuyên hoạt động trên hành trình trùng lặp như tuyến cố định vi phạm quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 7 Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ. Phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố liên quan xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô đối với các trường hợp có phù hiệu xe hợp đồng do Sở GTVT các tỉnh, thành phố khác quản lý. Cập nhật, bổ sung và công bố công khai biểu đồ chạy xe chi tiết các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh. Công bố đưa vào khai thác các điểm đón, trả khách cho các tuyến vận tải cố định, tạo thuận lợi cho hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Qua kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, đã thu hồi 120 phù hiệu của các phương tiện vi phạm tốc độ. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trong hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, qua đó đã từng bước siết chặt công tác quản lý, lập lại trật tự ATGT nói chung và tình hình trật tự ATGT trên lĩnh vực vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh tham mưu trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự ATGT. Qua đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT được quan tâm, chú trọng thực hiện nghiêm túc. Các lực lượng đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp trong công tác. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) để phát huy tối đa hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm giao thông và TNGT xảy ra.
Lập lại trật tự an toàn giao thông
Thông qua hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đã xác định và kiến nghị khắc phục trên 500 vị trí là điểm tiềm ẩn về TNGT, điểm phức tạp về trật tự ATGT trên địa bàn; chủ động thành lập các tổ công tác tiến hành khảo sát và đề xuất điều chỉnh các bất hợp lý trong tổ chức giao thông…
Tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm đến công tác khắc phục ùn tắc giao thông, tổ chức cứu hộ giao thông. Qua đó, đã chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan phối hợp thực hiện nghiêm túc, định kỳ hàng năm có xây dựng các phương án, kế hoạch phối hợp điều tiết, chống ùn tắc giao thông nhằm bảo đảm giao thông được thông thoáng, an toàn phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế tại địa phương. Các cấp ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an. Phối hợp lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020.
Các đơn vị, địa phương đã chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113 để kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi gây mất trật tự ATGT như: tụ tập đông người, đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu…; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp đấu tranh, xử lý các hành vi đua xe trái phép gây mất an ninh trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Báo Đồng khởi