Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Sở, ngành và địa phương. Về phía tỉnh Đồng Tháp, có ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Tháp.
Báo cáo tại nghi thức động thổ, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án dân dụng), Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2023 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 19/12/2023. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 7.496 tỷ đồng, bao gồm 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chiều dài khoảng 16 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, chiều dài khoảng 11,43 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản.
Quang cảnh nghi thức động thổ
Dự án thành phần 2 có điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè. Hướng tuyến đi song song Quốc lộ 30 và cách khoảng 4,9km. Dự án thành phần 2 có tổng chiều dài khoảng 11,43km; trong đó thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,8km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,63km. Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc gồm 4 làn xe hạn chế, với chiều rộng nền đường là 17m. Giai đoạn phân kỳ chưa bố trí làm dừng khẩn cấp, có bố trí đoạn dừng khẩn cấp, trung bình 4-5 km/1 đoạn dừng khẩn cấp có chiều dài 170m. Trên tuyến thành phần 2 có 2 nút giao (giao Đường tỉnh 850 thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp và giao tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận). Trên tuyến cao tốc có 11 cầu, 26 cống; xây dựng hạ tầng hệ thống ITS và các hạng mục chiếu sáng, an toàn giao thông. Dự án còn đầu tư 11,95km đường gom và 3 cầu trên đường gom.
Dự án thành phần 2 có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 83,345 ha (trong đó, tỉnh Đồng Tháp là 28,363 ha và tỉnh Tiền Giang là 54,982 ha). Số hộ bị ảnh hưởng là 665 hộ. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho 168/188 hộ, còn 20 hộ, đang tiếp tục vận động để chi trả. Tỉnh Tiền Giang đã chi trả 477/447 hộ, đạt 100%.
Nghi thức động thổ Dự án thành phần 2
Với trách nhiệm là đơn vị chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án dân dụng cam kết tổ chức triển khai dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả tốt nhất. Chủ đầu tư phấn đấu cùng các đơn vị liên quan khắc phục mọi khó khăn hoàn thành Dự án thành phần 2 đồng bộ dự án Thành phần 1. Qua đây, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tập trung tinh thần, trí tuệ cao nhất, quyết tâm, quyết liệt, huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ quan.
Chủ đầu tư rất mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các Sở, ngành liên quan và phối hợp, chia sẻ của chính quyền địa phương và Nhân dân dọc tuyến để dự án được triển khai hoàn thành thuận lợi, đảm bảo tiến độ.
Theo Ban Quản lý dự án dân dụng, các nhà thầu trúng thầu thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng Dự thành phần 2 gồm: Tổng Công ty Xây Dựng Trường Sơn (thành viên đứng đầu liên danh); Công ty Cổ phần Xây lắp 368; Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát; Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 75; Công ty cổ phần IDC Đông Dương; Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Trường Thành.
Nguồn: Cổng TTĐT Tiền Giang