Theo đó, các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường quản lý Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới; triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông và Luật Đường bộ ngay khi có hiệu lực thi hành.
Ảnh minh hoạ
Gắn việc triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới với siết chặt kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Tập trung rà soát, đề xuất các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ đảm bảo thống nhất với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Trước mắt, cần tham mưu cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ ngay những quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở, khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các quy định về quản lý Nhà nước đối với loại hình này.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho tổ chức, cá nhân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện tiềm ẩn gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách; tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát (bến xe, bến bãi, nhà ga, đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu); xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải nếu để xảy ra vi phạm…
Tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu tổ chức quy hoạch các bến xe, các điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển thực tế của từng địa bàn; quy hoạch mở rộng lòng đường, vỉa hè; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông giờ cao điểm tại khu vực tập trung đông người như trường học, chợ, bệnh viện, khu công nghiệp...
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô…
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô hợp đồng đưa đón trẻ em mầm non, học sinh… không bảo đảm điều kiện kinh doanh vận tải, không bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường…